Lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử Donald Trump năm nay diễn ra vào ngày 20/1. Trong ngày này, tân tổng thống Mỹ thường thực hiện một số nghi lễ đã thành truyền thống, theo Mirror.
Cầu nguyện buổi sáng
Tổng thống George W. Bush dự lễ cầu nguyện buổi sáng tại Nhà thờ Tân giáo St John's trước lễ nhậm chức vào năm 2005. Ảnh:Reuters
Tổng thống Mỹ Franklin D Roosevelt bắt đầu truyền thống cầu nguyện buổi sáng vào năm 1933. Kể từ đây, rất nhiều đời tổng thống Mỹ khác cũng tiếp nối thông lệ. Tổng thống Barack Obama, George H. W. Bush, George W. Bush, Ronald Reagan hay Harry S. Truman đều dự lễ cầu nguyện buổi sáng tại Nhà thờ Tân giáo St John's, nằm phia bên kia đường, đối diện Nhà Trắng.
Tổng thống và Tổng thống đắc cử gặp mặt
Tổng thống sắp mãn nhiệm và tổng thống đắc cử có cuộc gặp mặt ngắn tại Nhà Trắng trước khi cùng đi khoảng 3,2 km để tới Tòa nhà Quốc hội Capitol, nơi diễn ra các sự kiện chính của lễ nhậm chức.
Tân phó tổng thống và tổng thống tuyên thệ
Năm nay, tân phó tổng thống Mike Pence sẽ là người đầu tiên lặp lại lời tuyên thệ nhậm chức theo Chánh án Tòa án Tối cao trên bục bên ngoài Tòa nhà Quốc hội. Tiếp đó, tân tổng thống bước lên tuyên thệ. Vì buổi lễ diễn ra ngoài trời giữa mùa đông giá rét nên một số tổng thống trước đây phải mắc áo khoác để giữ ấm. Đặc biệt, năm 1985, tổng thống Ronald Reagan buộc phải chuyển nghi lễ vào trong nhà vì trời quá lạnh.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump dường như sẽ tuyên thệ trên Kinh thánh. Lời thề 35 từ phải được đọc chính xác theo Hiến pháp. Năm 2009, ông Obama phải đọc lại lời tuyên thệ vì một từ bị sai vị trí.
Tân tổng thống đọc diễn văn nhậm chức
Tổng thống Mỹ Barack Obama đọc diễn văn nhậm chức vào năm 2013. Ảnh:Huffington Post
Mọi tổng thống Mỹ kể từ thời George Washington đều phải đọc diễn văn nhậm chức. Độ dài của từng bản diễn văn rất khác nhau, ngắn nhất là diễn văn nhậm chức lần hai của tổng thống George Washington vào năm 1793 với vỏn vẹn 135 từ và dài nhất là diễn văn của tổng thống William Henry Harrison vào năm 1841 với 8.445 từ.
Tạm biệt tổng thống mãn nhiệm
Kể từ năm 1977, màn chia tay của tổng thống mãn nhiệm thường được tổ chức hoành tráng với trực thăng đón rước, đôi khi còn bằng tàu điện, ôtô hay máy bay phản lực.
Tiệc trưa
Sau màn tuyên thệ là bữa tiệc trưa diễn ra tại Sảnh Statuary bên trong Tòa nhà Capitol do Ủy ban Hỗn hợp Quốc hội về Nghi lễ Nhậm chức (JCCIC) chủ trì tổ chức. Hoạt động này lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1897 nhưng mãi đến năm 1953 mới được duy trì thực hiện như một truyền thống. Lúc bấy giờ, tổng thống Dwight D. Eisenhower cùng vợ và 50 khách mời có bữa trưa gồm các món gà sốt kem, giăm bông nướng ăn kèm khoai tây nghiền.
Lễ diễu hành
Tổng thống Mỹ Bill Clinton cùng vợ và con gái dự lễ diễu hành ngày nhậm chức năm 1997. Ảnh:AP
Sau khi nhậm chức tại Tòa nhà Quốc hội, tân thổng thống Mỹ sẽ diễu hành trên đại lộ Pennsylvania dài khoảng 3,2 km để tới Nhà Trắng, dẫn đầu một đoàn người hùng hậu, gồm đội nghi lễ quân đội, các nhóm dân sự, ban nhạc diễu hành... Đến trước cửa Nhà Trắng, tân tổng thống Mỹ và đệ nhất phu nhân sẽ đứng xem hết lễ diễu hành trên khán đài.
Truyền thống diễu hành ngày nhậm chức có từ thời tổng thống George Washington. Ngày 30/4/1789, ông đi từ Mount Vernon tới thành phố New York với sự hộ tống của dân quân địa phương.
Tiệc khiêu vũ
Washington DC trở nên sống động và náo nhiệt với các tiệc khiêu vũ sau lễ nhậm chức.
Trong ngày nhậm chức năm 2009, ông Obama đã phải tham gia tới 10 buổi tiệc khiêu vũ chính thức. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải con số kỷ lục. Khi nhậm chức vào năm 1993, tổng thống Bill Clinton tổ chức tới 11 bữa tiệc khiêu vũ. Thông thường, trong lần nhậm chức thứ hai, các lãnh đạo tái đắc cử sẽ giảm quy mô tiệc khiêu vũ, song ông Clinton đã đi ngược truyền thống khi cùng đệ nhất phu nhân Hillary Clinton dự đến 14 buổi tiệc nhậm chức năm 1997.