Nikkei: Trung Quốc ồ ạt mua thép, láng giềng hưởng lợi trong đó có Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Các công ty thép của Việt Nam trước đây vốn chịu ảnh hưởng bất lợi từ nguồn thép giá rẻ từ Trung Quốc, nhưng xu hướng này đã đảo ngược...
Một công nhân làm việc trong nhà máy thép của Hòa Phát - Ảnh: Reuters/Nikkei.
Một công nhân làm việc trong nhà máy thép của Hòa Phát - Ảnh: Reuters/Nikkei.

Nhập khẩu thép của Trung Quốc tăng 150% trong năm 2020, đạt 38,56 triệu tấn - tờ báo Nhật Bản Nikkei dẫn số liệu hải quan Trung Quốc cho hay.

Việc Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu thép diễn ra trong bối cảnh các nhà sản xuất thép nước này chật vật đáp ứng nhu cầu tăng cao trong nước, khi Bắc Kinh đẩy mạnh nỗ lực đưa nền kinh tế thoát khỏi suy giảm tăng trưởng do đại dịch Covid-19 gây ra.

Theo Nikkei, là một trong những nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, Trung Quốc trong những năm qua đã cố gắng giảm công suất ngành thép nhằm khắc phục dư thừa nguồn cung thép trong nước và trên toàn cầu. Dù tình trạng thiếu thép diễn ra ở Trung Quốc gần đây và nước này phải ồ ạt nhập thép, vẫn còn đó những mối lo về sự dư thừa nguồn cung sẽ quay trở lại và gây áp lực lên thị trường thép thế giới.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các nhà sản xuất thép trên toàn châu Á đang hưởng lợi từ sự gia tăng nhu cầu thép của Trung Quốc. Lợi nhuận ròng của hãng thép Việt Nam Hòa Phát tăng 80% trong năm 2020 đạt 13,5 nghìn tỷ đồng nhờ xuất khẩu tăng gấp đôi. Phần lớn xuất khẩu thép của Hòa Phát là bán cho Trung Quốc, công ty cho hay.

Các công ty thép của Việt Nam trước đây vốn chịu ảnh hưởng bất lợi từ nguồn thép giá rẻ từ Trung Quốc. Nhưng xu hướng này đã đảo ngược trong năm ngoái, khi xuất khẩu thép của Việt Nam sang Trung Quốc tăng gấp hơn 9 lần, đạt 3,35 triệu tấn.

"Có cảm giác như nguồn thép dư thừa từ Trung Quốc là chuyện cách đây lâu lắm rồi", Giám đốc một công ty thép Việt Nam nói.

Xuất khẩu thép của Ấn Độ sang Trung Quốc trong năm 2020 tăng 15 lần, đạt 5,08 triệu tấn. Hãng thép Ấn Độ Tata Steel báo lãi ròng 39,8 tỷ Rupee (540 triệu USD) trong quý 4/2020, đảo ngược khoản lỗ 11,6 tỷ Rupee cùng kỳ năm trước.

Các hãng thép Nhật Bản cũng nhanh chóng tranh thủ nhu cầu gia tăng từ Trung Quốc. Vào tháng 7, Tokyo Steel Manufacturing nối lại xuất khẩu thép sang Trung Quốc lần đầu tiên trong 1 thập kỷ.

Những công ty thép lớn của Trung Quốc như China Baowu Steel Group đã cắt giảm sản lượng từ đầu năm ngoái vì cho rằng nhu cầu tiêu thụ thép ở nước này sẽ sụt giảm do đại dịch. Nhưng trái với dự báo, nhu cầu thép ở Trung Quốc tăng mạnh khi Chính phủ triển khai đồng lọt nhiều biện pháp để cứu tăng trưởng kinh tế, và các hãng thép Trung Quốc rơi vào thế "trở tay không kịp". Trong thời gian từ tháng 6-9/2020, Trung Quốc nhập khẩu thép nhiều hơn xuất khẩu.

Ngoài ra, công suất sản xuất thép của Trung Quốc có vẻ đã giảm xuống. Từ 2016-2018, nước này cắt giảm 150 triệu tấn trong công suất sản xuất thép toàn quốc, tương đương 10% tổng công suất ở thời điểm cuối năm 2015 - theo dữ liệu của Chính phủ.

Phần lớn thép mà Trung Quốc nhập khẩu trong năm 2020 là những sản phẩm rẻ hơn, dùng cho xây dựng và một số mục đích khác. Giá bình quân thép nhập khẩu vào Trung Quốc trong năm ngoái là 630 USD/tấn, giảm 35% so với năm trước đó, và thấp hơn nhiều so với giá bình quân thép mà nước này xuất khẩu là 791 USD/tấn. Điều này cho thấy các hãng thép Trung Quốc đang tập trung nhiều hơn vào các sản phẩm chuyên biệt, có gí trị gia tăng cao hơn, như thép dùng cho sản xuất ô tô, và dựa vào nguồn cung từ nước ngoài đối với những sản phẩm thép phổ thông.

Trung Quốc là thị trường thép hàng đầu thế giới, nên chỉ một sự dịch chuyển nhỏ ở thị trường này cũng có thể gây ảnh hưởng toàn cầu. Theo dữ liệu của Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), tổng nhu cầu thép của Trung Quốc trong năm 2020 đạt 980 triệu tấn, lớn gấp 10 lần so với Ấn Độ - một nước tiêu thụ thép lớn khác.

Giá thép cuộn cán nguội - loại được sử dụng trong nhiều sản phẩm từ trang thiết bị đến ô tô - duy trì trên mức 700 USD/tấn tại khu vực Đông Á, tăng 60% so với mức đáy thiết lập vào tháng 5 năm ngoái và là mức cao nhất kể từ năm 2011.

Nhu cầu thép gia tăng trong nước cũng kéo theo việc một số hãng thép Trung Quốc đầu tư sản xuất tại các nước láng giềng, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á. Tsingshan Group, công ty sản xuất thép không rỉ lớn nhất thế giới, đã mua một lò cao ở Indonesia vào tháng 3/2020. Theo Liên đoàn Sắt Thép Nhật Bản, các hãng thép Trung Quốc có kế hoạch xây dựng công suất 30 triệu tấn thép mới mỗi năm ở Đông Nam Á.

Những vụ đầu tư vào Đông Nam Á này xuất phát một phần từ nhu cầu thép gia tăng trong khu vực, một phần bởi các quy định ngặt nghèo hơn ở Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự dư thừa nguồn cung.

Cho dù nhu cầu tăng mạnh gần đây, Bắc Kinh cho rằng công suất sản xuất thép trong nước vẫn còn dư, nên tiếp tục thúc đẩy các nhà máy thép đã cũ phải đóng cửa hoặc thu hẹp. Chẳng hạn, chính phủ Trung Quốc yêu cầu các hãng thép giảm công suất 25-50% khi cải tạo mỗi lò luyện thép đã cũ.

Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc dự báo sự gia tăng mạnh nhu cầu thép cho hạ tầng ở nước này hiện nay sẽ đạt đỉnh vào khoảng năm 2023. Tuy nhiên, không rõ xu hướng tăng mạnh nhập khẩu thép của Trung Quốc sẽ kéo dài bao lâu.

Nếu nhu cầu thép của Trung Quốc sụt giảm, có nguy cơ lượng thép thừa sẽ lại chảy sang các thị trường khác, và tình trạng dư cungcó thể xuất hiện trở lại.

Tin cùng chuyên mục