Vinachem vẫn đứng ra trả nợ thay cho Đạm Ninh Bình từ khoản vay của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Số nợ phải thu của Vinachem tại Đạm Ninh Bình đang là con số rất lớn do dự án này đắp chiếu nhiều năm và kém hiệu quả. |
Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa thay mặt Chính phủ báo cáo về hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước lên Quốc hội. Theo đó, đáng chú ý là các khoản nợ phải thu khó đòi của các doanh nghiệp nhà nước khá lớn.
Cụ thể, Công ty mẹ như Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) là 2.700 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí (PVN) hơn 2.500 tỷ đồng; Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) hơn 1.000 tỷ đồng; Mobifone hơn 632 tỷ đồng chủ yếu là nợ cước viễn thông của khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông trả sau.
Các công ty mẹ của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (355 tỷ đồng); Tổng công ty Cà phê Việt Nam (285 tỷ đồng); Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (276 tỷ đồng)…
Một số công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản ở mức cao (trên 50%) của nhiều tập đoàn, tổng công ty như: Tổng công ty Thái Sơn nợ phải thu 2.746 tỷ đồng, chiếm 71% tổng tài sản; Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô nợ phải thu gần 1.700 tỷ đồng, chiếm 70% tổng tài sản.
Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không (ACC) có số nợ phải thu 742 tỷ đồng, chiếm 59% tổng tài sản; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có số nợ phải thu là 11.204 tỷ đồng, chiếm 58% tổng tài sản; Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn nợ phải thu 2.126 tỷ đồng, bằng 57% tổng tài sản; Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (nợ phải thu 524 tỷ đồng, bằng 53% tổng tài sản).
Đáng chú ý, nợ phải thu khó đòi theo báo cáo của công ty mẹ, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, đang là 10.566 tỷ đồng do Vinachem trả nợ khoản vay nước ngoài của Dự án Đạm Ninh Bình cho khoản vay của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank). Tuy nhiên, không thanh toán nợ cho Tập đoàn đúng hạn, hiện Vinachem đã trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định là 2.233 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty có tổng các khoản phải thu là 360.982 tỷ đồng, tăng 11% so với thực hiện năm 2018. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 18.251 tỷ đồng, tăng 25% so với thực hiện năm 2018, chiếm 5% tổng số nợ phải thu.
Một số công ty mẹ có nợ phải thu khó đòi lớn như Tổng công ty Miền Nam nợ phải thu khó đòi hơn 1.300 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam có nợ phải thu khó đòi 1.151 tỷ đồng; Tổng công ty Lắp máy Việt Nam nợ phải thu khó đòi 1.139 tỷ đồng...
Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, hệ số vòng quay các khoản phải thu của các công ty mẹ năm 2019 là 2,37 lần. Điều này cho thấy, hầu hết các công ty mẹ có tốc độ thu hồi công nợ của khách hàng đủ để đảm bảo dòng tiền luân chuyển trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.