Giá dầu tăng dự báo sẽ tác động làm tăng CPI chung trong nửa cuối năm. Ảnh: Huy Hùng |
CPI chịu nhiều áp lực
Theo Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, trong 6 tháng cuối năm 2016, có nhiều yếu tố có thể tác động mạnh đến CPI. Về khách quan, những vấn đề về chính trị và nhu cầu thực tế tại nhiều nước trên thế giới sẽ tiếp tục tác động đến giá dầu mỏ, khí đốt và ảnh hưởng đến giá các mặt hàng nguyên vật liệu khác. Bên cạnh đó, các yếu tố mang tính biến động lớn như thời tiết, môi trường có thể ảnh hưởng tới giá lương thực, thực phẩm…
Đối với yếu tố chủ quan, theo Cục Quản lý giá, sức ép từ cân đối ngân sách, việc tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ công, chính sách điều hành tỷ giá và mặt bằng lãi suất trong thời gian tới sẽ là những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp và có tác động lớn làm tăng chỉ số giá cả, khiến lạm phát có thể tăng mạnh. Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nhiều yếu tố có thể tác động cộng hưởng làm tăng lạm phát như tăng lương cơ bản; độ trễ của tăng cung tiền; áp lực tỷ giá… Giá cả nhập khẩu tính bằng USD tăng so với các tháng trước cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng không nhỏ lên CPI.
Tổng cục Thống kê cũng vừa đưa ra các kịch bản khác nhau trên cơ sở dự báo và phân tích đánh giá tác động của các yếu tố chủ yếu đến CPI. Theo các kịch bản này, số liệu phân tích định lượng của Tổng cục Thống kê cho thấy, nếu giá dầu trung bình trong 2 quý cuối năm đạt ngưỡng 50 USD/thùng, 55 USD/thùng và 60 USD/thùng, tác động làm tăng CPI tương ứng lần lượt sẽ là 0,3%; 0,6%; 0,9%. Việc tăng giá dầu và cả việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục trong cả năm 2016 dự kiến sẽ tác động làm tăng CPI chung trong nửa cuối năm (chưa tính đến các yếu tố thị trường có thể tác động) từ 2,6 - 3,2 %. Với mức tăng này, CPI cả năm 2016 có thể tăng trên 5%.
Hợp lực nhiều giải pháp
Trước những dự báo về diễn biến phức tạp của lạm phát trong 2 quý còn lại, Chính phủ đã thận trọng đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo kiểm soát được “con ngựa bất kham” này. Các giải pháp trước mắt tập trung kiểm soát chặt chẽ chi phí giá cả đầu vào nhằm duy trì sự ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Cụ thể, tăng cường quản lý chi phí xăng dầu, chi phí vận tải để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính và Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương cũng cho biết, sẽ tăng cường các biện pháp giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá... Trường hợp điều chỉnh giá, phải xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm để hạn chế thấp nhất tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân, cũng như việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Cũng theo khuyến nghị của các chuyên gia, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí, đặc biệt đối với những hàng hóa dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Việc tăng giá các dịch vụ công cần có lộ trình thích hợp, tránh cùng tăng gây tác động cộng hưởng lớn làm tăng mặt bằng giá cả.
Ngoài ra, theo quan điểm của ông Ngô Trí Long, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô; phối hợp với Bộ Tài chính trong phát hành trái phiếu chính phủ nhằm duy trì mặt bằng lãi suất ổn định. Cần giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.