Ảnh Internet |
Tại Báo cáo giám sát nợ toàn cầu công bố mới đây, IIF cho biết, tổng nợ - bao gồm các khoản nợ của chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình - đã tăng 10 nghìn tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2023 lên khoảng 307 nghìn tỷ USD. Mức đỉnh nợ toàn cầu trước đó là vào đầu năm 2022, trước khi các ngân hàng trung ương bắt đầu chiến dịch tăng lãi suất.
Tỷ lệ nợ toàn cầu so với GDP - trước đó đã giảm do lạm phát cao - đã tăng lên 336% vào tháng 6/2023, tăng 2 điểm phần trăm so với thời điểm đầu năm. Nhưng tỷ lệ này vẫn ở dưới mức cao nhất (khoảng 360%) trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
Khối nợ toàn cầu gia tăng xảy ra khi lãi suất cao hơn ở hầu hết các quốc gia đã đẩy chi phí đi vay tăng theo. Bên cạnh đó là việc đầu tư cho quá trình chống biến đổi khí hậu gây áp lực lên các chính phủ phải tăng cường chi tiêu.
Emre Tiftik, trưởng nhóm tác giả của Báo cáo cho biết: "Mối lo ngại của chúng tôi là các quốc gia sẽ phải phân bổ ngày càng nhiều hơn cho chi phí lãi vay. Điều này sẽ có tác động lâu dài đối với chi phí vay nợ của các quốc gia".
Theo IIF, hơn 80% số nợ tăng thêm trong nửa đầu năm đến từ các thị trường phát triển, trong đó Mỹ, Nhật Bản, Anh và Pháp có mức tăng lớn nhất.
Edward Parker, Giám đốc điều hành tại Fitch Ratings cho biết: "Chi phí lãi suất ngày càng tăng là rủi ro chính đối với tài chính công và xếp hạng quốc gia, đặc biệt là ở các thị trường phát triển".
Chi phí lãi suất ở các thị trường phát triển không đổi về mặt danh nghĩa trong khoảng thời gian từ năm 2007 - 2021, mặc dù mức nợ ngày càng tăng. "Nhưng "bữa trưa miễn phí" đó đã kết thúc và các khoản thanh toán lãi hiện đang tăng nhanh hơn nợ hoặc doanh thu", ông Edward Parker nhận xét.
Theo Báo cáo, chi phí lãi vay dự kiến sẽ tiếp tục tăng do ngày càng nhiều nợ được tái cấp vốn và lãi suất vẫn cao hơn để chống lạm phát. Hôm thứ 20/9, OECD cảnh báo rằng, các ngân hàng trung ương nên giữ lãi suất ở mức cao hoặc tăng thêm để chống lạm phát, bất chấp dấu hiệu căng thẳng kinh tế ngày càng tăng.
OECD: Các ngân hàng trung ương phải giữ lãi suất cao cho đến khi lạm phát được kiềm chế
IIF đặc biệt lo ngại về sự gia tăng chi phí lãi vay đối với các khoản nợ bằng đồng nội tệ của các thị trường mới nổi, hiện chiếm hơn 80% tổng chi phí lãi vay của các thị trường này.
Tổ chức này cảnh báo rằng, khi nhiều quốc gia buộc phải cơ cấu lại nợ, mức nợ trong nước cao khiến họ dễ bị tổn thương, bởi chương trình tái cơ cấu nợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hướng nhiều hơn đến các chủ nợ bên ngoài như quỹ đầu tư, chủ nợ là các quốc gia khác và nợ ngoại hối.