Nợ xấu tại các ngân hàng thương mại Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2006 trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này giảm xuống mức thấp nhất trong 1/4 thế kỷ.
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu do Ủy ban Giám sát ngân hàng Trung Quốc (CBRC) công bố ngày 15/2 cho biết, nợ xấu tại các ngân hàng thương mại nước này tính đến tháng 12/2015 tăng 51% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 1,27 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 196 tỷ USD.
Tỷ lê nợ xấu tăng lên mức 1,67%, từ mức 1,25% tổng dư nợ. Trong khi đó, tỷ lệ dự phòng nợ xấu, một thước đó về khả năng hấp thụ thua lỗ có thể xảy ra do nợ xấu, của các ngân hàng Trung Quốc đã giảm xuống mức 181%, từ mức 200% vào tháng 12/2014.
Những lo ngại về nợ xấu đã đẩy giá cổ phiếu của các ngân hàng Trung Quốc giảm mạnh thời gian qua. Hệ số giá/thu nhập (P/E) của cổ phiếu 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc hiện thấp hơn 35% so với cổ phiếu tương tự tại các nền kinh tế mới nổi khác.
Trong đó, cổ phiếu có P/E cao nhất là cổ phiếu Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC), ở mức 4,2 lần.
Năm ngoái, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,9%, thấp nhất kể từ năm 1990.
Dữ liệu trên được CBRC công bố trong lúc có những đồn đoán cho rằng tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc cao hơn nhiều so với con số chính thức.
Ông Kyle Bass, một nhà quản lý quỹ đầu cơ từng bán khống thành công trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở Mỹ, mới đây nói rằng hệ thống ngân hàng của Trung Quốc có thể thua lỗ nhiều gấp 4 lần so với mức lỗ của các ngân hàng Mỹ trong cuộc khủng hoảng trước.
Theo ông Bass, nếu hệ thống ngân hàng Trung Quốc mất 10% tài sản vì nợ xấu, thì số vốn “bốc hơi” sẽ lên tới 3,5 nghìn tỷ USD. Nhà đầu cơ này cũng cho rằng tỷ lệ nợ xấu thực sự tại các ngân hàng Trung Quốc phải lên tới 28-30%.
Năm ngoái, lợi nhuận của ngành ngân hàng Trung Quốc tăng 2,43% so với năm 2014, đạt mức 1,59 nghìn tỷ USD. Đây là mức tăng yếu nhất kể từ ít nhất năm 2011 khi cơ quan chức năng Trung Quốc bắt đầu công bố dữ liệu này.