Nỗi lo Covid khiến IMF hạ dự báo tăng trưởng Đông Nam Á

0:00 / 0:00
0:00
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa hạ dự báo tăng trưởng một loạt nền kinh tế ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam...
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa hạ dự báo tăng trưởng một loạt nền kinh tế ở Đông Nam Á, cho dù đưa ra quan điểm lạc quan hơn về kinh tế toàn cầu và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo tin từ CNBC, IMF dự báo 5 nền kinh tế đang phát triển lớn nhất tại Đông Nam Á - gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, và Việt Nam - sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm 2021. Trong lần dự báo trước, IMF cho rằng nhóm nền kinh tế này sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm nay.

Ông Jonathan Ostry, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IMF, nói rằng số ca nhiễm Covid-19 mới tăng lên và lệnh phong tỏa được áp trở lại đang làm suy giảm triển vọng kinh tế của một số nền kinh tế Đông Nam Á.

"Chúng tôi lo ngại về triển vọng của ngành du lịch, biết đến khi nào thì các thị trường này mới mở cửa trở lại, và cả lệnh phong tỏa bổ sung cũng như các hạn chế khác mà các quốc gia buộc phải áp dụng khi đại dịch bất ngờ nổi lên lần nữa", ông Ostry phát biểu.

Indonesia, Malaysia và Philippines đã phải siết các biện pháp hạn chế trong năm nay, sau khi số ca nhiễm Covid-19 mới tăng vọt. Tiến trình tiêm chủng ngừa Covid tại các nước này cũng diễn ra với tốc độ chậm chạp hơn so với nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Dữ liệu từ Our World Data cho thấy 3,765 dân số ở Indonesia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid, so với tỷ lệ 5,76% của toàn cầu. Tỷ lệ này đối với Malaysia và Philippines tương ứng lần lượt là 1,8% và 0,96%.

Dù giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á, IMF nâng dự báo tăng trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm nay từ 7,3% lên 7,6%. Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu được IMF nâng từ 5,5% lên 6%.

Ông Ostry nói rằng triển vọng sáng lên của những nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, và New Zealand là cơ sở để IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.

"Châu Á là một khu vực rất mở cửa, hướng ngoại, và đang có những hiệu ứng lan tỏa tích cực từ bức tranh kinh tế Mỹ cũng như những nỗ lực kích cầu của Mỹ, đặc biệt đối với các nền kinh tế phát triển ở châu Á", ông nói.

Trong số các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương, IMF nâng dự báo tăng trưởng Trung Quốc và Ấn Độ. Định chế này dự báo kinh tế Trung Quốc tăng 8,4% trong nay, từ mức dự báo tăng 8,1% đưa ra lần trước; kinh tế Ấn Độ được dự báo tăng 12,5%, từ mức dự báo tăng 11,5% đưa ra lần trước.

Dù vậy, ông Ostry cũng bày tỏ lo ngại lớn về làn sóng Covid mới ở Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này hiện đã vượt qua Brazil để trở thành nước có tổng số ca nhiễm Covid-19 nhiều thứ nhì thế giới, chỉ sau Mỹ.

Tin cùng chuyên mục