Các nhà giao dịch cổ phiếu làm việc tại Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) phiên ngày 21/2 - Ảnh: Reuters. |
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên thứ hai liên tiếp vào ngày thứ Tư trong một phiên giao dịch khó lường, sau khi biên bản cuộc họp tháng 1 của Cục Dự trữ Liên bang (FED) được công bố đẩy lãi suát trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lên mức cao nhất trong 4 năm.
Theo tin từ Reuters, biên bản trên cho thấy ngân hàng trung ương của Mỹ đã trở nên tin tưởng hơn vào sự cần thiết phải duy trì tăng lãi suất. Hầu hết các quan chức trong Ủy ban Thị trường mở (FOMC), bộ phận quyết định lãi suất trong FED, tin rằng lạm phát sẽ gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới cải thiện đà tăng trưởng.
Trong cuộc họp hồi tháng 1/2018, FED giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng USD trong khoảng 1,25-1,5%.
Trong phiên giao dịch ngày 21/2, chứng khoán Mỹ lúc đầu tăng điểm và đạt mức cao của phiên. Sau đó, các chỉ số bắt đầu thu hẹp độ tăng và chuyển thành giảm khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất 4 năm ở 2,957% do khả năng lãi suất sẽ được FED nâng cao hơn trong năm 2018.
Theo một số nhà phân tích, biên bản cuộc họp này của FED có thể gây ít nhiều băn khoăn.
"Biên bản cuộc họp FED cho thấy các thành viên của FED không quá lo ngại về lạm phát, và điều này là một điểm tích cực đối với thị trường", ông Michael Arone, chiến lược gia đầu tư của State Street Global Advisors ở Boston, nhận xét. "Nhưng thị trường cũng nhận ra rằng là cuộc họp đó diễn ra vào cuối tháng 1, mà từ sau đó, chúng ta đã có một báo cáo việc làm rất tốt, tiền lương tăng lên và dữ liệu lạm phát cũng tăng. Bởi vậy, việc tăng lãi suất là có cơ sở hợp lý".
Theo dữ liệu của Thomson Reuters, kỳ vọng FED nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tiếp theo diễn ra vào tháng 3 hiện ở mức 93,5%. FED hiện đang dự báo sẽ nâng lãi suất ba lần trong năm 2018.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,67%, còn 24.797,78 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,55%, còn 2.701,33 điểm. Chỉ số Nasdaq hạ 0,22%, còn 7.218,23 điểm.
Sau khi nỗi lo lạm phát khiến S&P 500 mất 10% điểm số kể từ mức đỉnh thiết lập hôm 26/1, chứng khoán Mỹ đã hồi phục trong những phiên gần đây khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm ổn định quanh ngưỡng 2,9%. Tuy nhiên, S&P 500 đến nay vẫn chưa thể trụ vững trên ngưỡng trung bình 50 ngày - mức được coi là một ngưỡng hỗ trợ then chốt.
Phiên này, có 6,96 tỷ cổ phiếu được các nhà giao dịch sang tay ở Phố Wall, so với mức trung bình 8,49 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên gần nhất.