Ảnh Internet |
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA), doanh số linh kiện bán dẫn trên toàn cầu trong tháng 6 tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 18% của tháng 5. Ngành công nghiệp này đang chứng kiến đà giảm tốc dài nhất kể từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung năm 2018.
Trong vài thập kỷ gần đây, mức trung bình động 3 tháng của doanh số chip có sự tương quan với hoạt động của nền kinh tế toàn cầu. Sự suy yếu trong tăng trưởng ngành này xảy ra khi lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu ngày cao. Điều này khiến các nhà sản xuất chip lớn như Samsung Electronics phải xem xét rút lại các kế hoạch đầu tư.
Chất bán dẫn là thành phần quan trọng trong thế giới ngày nay, bởi người tiêu dùng ngày càng phụ thuộc vào các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch.
Doanh số chip bắt đầu hạ nhiệt khi các ngân hàng trung ương dần khẩn trương tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine và các đợt phong tỏa kéo dài ở Trung Quốc khiến triển vọng kinh tế thế giới nhanh chóng bị đảo ngược.
Theo một thước đo của Bloomberg Economics, triển vọng kinh tế thế giới đã xấu đi rõ rệt trong năm nay, cùng với đó tăng trưởng doanh số chip bắt đầu chững lại.
Những dấu hiệu của sự suy thoái kinh tế cũng được thấy rõ trong số liệu thương mại của Hàn Quốc - nước sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới. Tăng trưởng xuất khẩu chip của nước này đã giảm xuống còn 2,1% trong tháng 7, từ mức 10,7% của tháng trước đó. Đây là tháng tăng trưởng suy giảm tháng thứ 4 liên tiếp. Hồi tháng 6, tồn kho chất bán dẫn của nước này đã tăng mạnh nhất trong hơn 6 năm.
Tại Đài Loan - khu vực chiếm hơn 60% thị phần sản xuất chip toàn cầu, xu hướng tương tự cũng đang diễn ra. Dữ liệu mới nhất cho thấy, hoạt động sản xuất chip tại Đài Loan giảm trong tháng 6 và tháng 7, trong khi nhu cầu sụt giảm với số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm mạnh.
Bloomberg nhận định, sự suy yếu của hai mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng chip một phần bắt nguồn từ việc nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc do những hạn chế để phòng dịch theo chiến lược Zero Covid. Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 7, trong khi doanh số bất động sản tiếp tục sụt giảm.
Ở Mỹ, tổng sản phẩm trong nước (GDP) đã giảm hai quý liên tiếp, dù Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) chưa tuyên bố kinh tế Mỹ đã suy thoái. Ở châu Âu, hoạt động của các nhà máy đã lao dốc trong tháng 6, càng làm trầm trọng thêm triển vọng kinh tế của cả châu lục và toàn cầu.
Mặc dù vậy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn nhận định, GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng dương trong năm nay và doanh số bán chip chậm lại không nhất định chỉ ra một cuộc suy thoái trong tương lai gần. Tuy nhiên, tổ chức này lưu ý rằng sức khỏe của nền kinh tế thế giới phụ thuộc lớn vào chip - linh kiện nhỏ được dùng trong sản xuất mọi thứ từ điện thoại thông minh, máy tính cho tới ô tô.