Tỷ lệ nội địa hóa của dệt may Việt Nam còn rất thấp, chỉ mới tự đáp ứng được khoảng 2% nhu cầu bông, 12,5% nhu cầu vải. Ảnh: Tất Tiên |
Bị động đơn hàng mới
Số liệu mới đây của Bộ Công Thương cho thấy kim ngạch xuất khẩu ngành dệt và may mặc trong 5 tháng đầu năm 2016 ước đạt 8,6 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2015. Đây được xem là mức tăng không cao so với kỳ vọng của ngành này. Ngay như mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD trong năm 2016 của ngành này cũng được điều chỉnh xuống mức trên 29 tỷ USD.
Bộ Công Thương nhận định, các DN ngành dệt may đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng mới, nhất là các đơn hàng sơ mi, quần, jacket. Kim ngạch xuất khẩu của ngành này từ đầu năm đến nay tăng trưởng chủ yếu là do sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI.
TS. Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho rằng, các DN nội còn yếu kém trong khâu thiết kế và cả trong khâu marketing, phân phối. Có thể thấy các DN dệt may Việt Nam chủ yếu làm các nhà thầu phụ cho các nhà thầu may trong khu vực, chưa có khả năng tự thiết kế và xây dựng thương hiệu. Thực tế chỉ có 2 - 3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là hàng ODM (Original Design Manufacturing), tức hàng mà Việt Nam chủ động từ nguyên liệu, thiết kế, sản xuất thành phẩm.
Theo giới chuyên gia, do chỉ là thầu phụ nên phần lợi lớn các DN dệt may Việt Nam không được hưởng, mà rơi vào các DN chính từ Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông và các DN trung gian… Trên thực tế, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay chủ yếu tham gia vào phần cắt và may trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, sản xuất theo phương thức gia công đơn giản, thiếu khả năng cung cấp trọn gói, nên giá trị gia tăng còn thấp.
Do chỉ là thầu phụ nên các DN nội địa thường bị động trong việc tìm kiếm đơn hàng mới và ngồi chờ nhà thầu chính gửi đơn hàng tới, làm theo mẫu của các DN trung gian, chứ không có khả năng đáp ứng tất cả các khâu; chỉ gia công thành phẩm trên cơ sở nguyên phụ liệu có sẵn. Điều này lý giải vì sao khi có đơn hàng trực tiếp từ các hãng lớn với yêu cầu cao hơn thì các DN trong nước lại khó đáp ứng vì khâu thiết kế còn hạn chế.
Đó là chưa kể, trong lúc loay hoay tìm đơn hàng mới, các nhà thầu phụ trong ngành dệt may Việt Nam gần đây còn bị các nhà thầu chính “quay lưng”, chuyển hướng sang đặt hàng những DN dệt may ở các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Myanmar, các thị trường vốn có ưu đãi về thuế xuất hàng đi EU và Mỹ (hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam).
“Kiếp làm thuê” khó phát huy lợi thế hội nhập
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP SXTM May Sài Gòn (Garmex Sài Gòn) nói rằng, nếu các DN dệt may không thay đổi phương thức kinh doanh thì dù hội nhập, chúng ta vẫn mãi là “kiếp làm thuê”, lợi thế hội nhập sẽ không có ý nghĩa. Chính việc chuyển đổi phương thức kinh doanh không chỉ nâng giá trị gia tăng mà còn là động lực thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ.
Hạn chế của DN dệt may Việt Nam là mối liên kết còn yếu và thiếu cả chiều ngang lẫn chiều dọc, trong khi đây là điều cốt yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh. Chính vì vậy, gần đây, nhiều người kỳ vọng vào Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện Dự thảo, sẽ có tác động tích cực đến ngành này trong tương lai, đặc biệt là với các DNNVV trong ngành dệt may.
Tại Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, ở Mục 3 của Chương III về chương trình hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị, có đề cập đến nhóm ngành dệt may thuộc đối tượng là các DNNVV hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được ưu tiên phát triển.
Theo đó, các DN có thể được hỗ trợ 30 - 50% về chi phí đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, hoạt động tư vấn kỹ thuật, chi phí kiểm định; được miễn, giảm thuế; hỗ trợ lãi suất; được phân luồng xanh khi làm thủ tục xuất nhập khẩu; hỗ trợ 100% chi phí quảng bá, phát triển thương hiệu cụm liên kết ngành.