Obama: Các nước cần tuân thủ phán quyết 'đường lưỡi bò'

Tổng thống Mỹ Obama nhấn mạnh phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng tài cần được tuân thủ và luật pháp quốc tế phải được tôn trọng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Reuters

"Tòa Trọng tài đã đưa ra phán quyết rõ ràng và mang tính ràng buộc về yêu sách trên biển ở Biển Đông liên quan đến Trung Quốc và Philippines. Phán quyết đó cần được tôn trọng", Straits Times hôm qua dẫn lại lời ông Obama nói khi trả lời phỏng vấn tờ báo này.

Cuộc trao đổi qua email được thực hiện nhân dịp Thủ tướng Singpare Lý Hiển Long sắp thăm chính thức Mỹ.

Tòa Trọng tài hôm 12/7 ra phán quyết cho vụ kiện của Philippines, bác bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với tài nguyên bên trong yêu sách "đường lưỡi bò" mà nước này đơn phương vạch ra, bao trùm gần hết diện tích Biển Đông.

Theo tổng thống Mỹ, phán quyết của Tòa Trọng tài bác bỏ 'đường lưỡi bò' có thể và nên được xem là cơ hội để làm mới các nỗ lực giải quyết tranh chấp một cách hòa bình ở Biển Đông. Mỹ tiếp tục thúc giục Trung Quốc và các bên hợp tác với tinh thần xây dựng để xem xét những khác biệt, từ đó thúc đẩy thương mại và hợp tác ở khu vực này, nơi có ý nghĩa quan trọng với kinh tế toàn cầu.

Ông Obama nhấn mạnh Mỹ tin rằng mỗi nước cần tôn trọng luật pháp quốc tế, việc đảm bảo luật lệ về tự do hàng hải ở Biển Đông là lợi ích của cả Mỹ, Trung Quốc và các nước khác trên thế giới. Các quy tắc và luật lệ này là một phần nền tảng của ổn định khu vực, cho phép các nước, gồm cả Trung Quốc, phát triển.

Từ đó, Mỹ cam kết đảm bảo một trật tự khu vực dựa trên các quy tắc quốc tế, bao gồm tự do hàng hải, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Các nước lớn không nên bắt nạt các nước nhỏ hơn, chủ quyền của các nước cần được tôn trọng. Vì thế Mỹ nỗ lực để đảm bảo các hành động của Washington tuân theo các quy tắc quốc tế, bao gồm những điều có trong Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS).

Đề cập tới chính sách xoay trục sang châu Á, ông Obama cho biết ông tin rằng chính sách này sẽ được duy trì khi Mỹ có tân tổng thống, vì đó là lợi ích quốc gia của Mỹ. Sự tham gia của Mỹ ở châu Á đã trở nên mạnh mẽ, bền vững và có sự ủng hộ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

"Mỹ đã là một quốc gia ở Thái Bình Dương hơn hai thế kỷ. Điều đó sẽ không thay đổi", ông nói.

Tin cùng chuyên mục