Báo cáo cho biết, rủi ro lạm phát trong ngắn hạn đang tăng lên, đặc biệt nếu nhu cầu bị dồn nén của người tiêu dùng mạnh hơn dự đoán, hoặc nếu tình trạng thiếu hụt nguồn cung mất nhiều thời gian để khắc phục. Do đó, chính sách tiền tệ phù hợp nên được duy trì, nhưng cần có hướng dẫn rõ ràng về giới hạn mà mức tăng lạm phát nào sẽ được chấp nhận.
Rủi ro lạm phát là một trong những yếu tố giải thích tại sao Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tiến gần hơn đến việc giảm nhẹ các gói kích thích nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch.
OECD dự báo lạm phát đối với Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) ở mức 3,7% vào năm 2021 và 3,9% vào năm 2022. Trong khi đó, áp lực giá cả sẽ dần dịu đi ở Mỹ nên các nhà kinh tế của tổ chức này dự đoán tỷ lệ lạm phát sẽ duy trì trên 3% trong năm tới.
Về tăng trưởng chung của kinh tế thế giới, OECD cho rằng, với sự kết hợp của lạm phát mạnh hơn và tăng trưởng không đồng đều, kinh tế thế giới đã mất đi một số động lực tăng trưởng. Điều đó làm dấy lên nghi ngờ về loại hình kinh tế nào sẽ xuất hiện sau gần hai năm gián đoạn nghiêm trọng trong cuộc khủng hoảng y tế trên toàn cầu. OECD đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2021 từ 5,8% xuống 5,7%.