Ổn định vĩ mô, tạo nền tảng tăng trưởng bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việt Nam đang phục hồi tăng trưởng tốt, nhưng không thể chủ quan khi tình hình kinh tế thế giới cũng như phản ứng chính sách của các nước lớn đang rất bất ổn và sẽ tác động nhanh, mạnh đến một nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta. Trong bối cảnh này, việc giữ ổn định vĩ mô - vốn được củng cố trong nhiều năm qua, càng cần được chú trọng, tạo nền tảng để bảo đảm tăng trưởng dài hạn.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia được các tổ chức quốc tế dự báo phục hồi nhanh và tăng trưởng cao trong thời gian tới. Ảnh: Tiến Tân
Việt Nam là một trong số ít quốc gia được các tổ chức quốc tế dự báo phục hồi nhanh và tăng trưởng cao trong thời gian tới. Ảnh: Tiến Tân

Số ít quốc gia được dự báo tăng trưởng cao

Kinh tế thế giới năm 2022 phục hồi ngày càng chậm lại, khả năng xảy ra suy thoái ngắn hạn đang gia tăng. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số ít quốc gia được các tổ chức quốc tế dự báo phục hồi nhanh và tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Theo bà Hà Thị Kim Nga, chuyên viên kinh tế cao cấp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), với những động lực tăng trưởng mạnh mẽ, IMF điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 từ 6% lên 7%, 2023 từ 7,2% xuống còn 6,7%. Đồng thời giữ nguyên mức dự báo lạm phát của Việt Nam trong 2022, tăng nhẹ năm 2023.

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, kinh tế và môi trường vĩ mô tại Việt Nam khá tốt, quá trình phục hồi đi đúng hướng, nhu cầu trong nước phục hồi, ngành sản xuất trong nước tăng trưởng tốt. Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 7%, lạm phát khoảng 3,8% trong năm 2022. Nền kinh tế Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển, trong đó có việc thúc đẩy các gói hỗ trợ kinh tế, các dự án đầu tư công đang được triển khai.

Còn theo ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dù triển vọng phát triển kinh tế và lạm phát tại châu Á đang xấu đi, nhưng các số liệu vẫn cho thấy Việt Nam có triển vọng phục hồi rất tốt; dự báo Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm nay và 6,7% trong năm sau.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng dự báo nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn; hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc; nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giải ngân nhanh hơn, mạnh hơn. Từ đó, phấn đấu cao nhất để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2022 cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra, tạo đà cho tăng trưởng các năm sau.

Ưu tiên hàng đầu là ổn định vĩ mô

Dù tình hình kinh tế 7 tháng và triển vọng năm 2022 đang tích cực, nhưng bối cảnh hiện nay đặt ra nhiều khó khăn, thách thức lớn đối với kinh tế Việt Nam.

Theo Bộ Ngoại giao, lạm phát tăng cao, bất ổn lớn nhất từ trước đến nay trở thành thách thức vĩ mô hàng đầu đối với kinh tế thế giới, nhiều khả năng trở thành vấn đề dai dẳng trong trung hạn. Các nước tiếp tục điều chỉnh chính sách tiền tệ nhanh hơn, mạnh hơn, tiềm ẩn rủi ro đến ổn định thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu...

Đối với Việt Nam, bà Dorsati Madani cho rằng, thách thức hiện nay của Việt Nam là bảo đảm cân bằng giữa phục hồi kinh tế và kiểm soát lạm phát, đòi hỏi hết sức linh hoạt và nhanh nhạy khi điều phối chính sách tài chính và tiền tệ.

Bà Hà Thị Kim Nga khuyến nghị chính sách tài khóa cần thực hiện nhanh hơn, chi tiêu cao hơn đi đôi với hiệu quả hơn là điều tối quan trọng củng cố tăng trưởng. Đối với chính sách tiền tệ, áp lực lạm phát gia tăng đòi hỏi chính sách tiền tệ cần vừa hỗ trợ phục hồi vừa tăng cường độ cảnh giác cao. Chuyên gia kinh tế của IMF lưu ý, tăng trưởng tín dụng nếu không cẩn trọng sẽ vượt mục tiêu định hướng 14%.

Nhấn mạnh ưu tiên ổn định vĩ mô, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, ổn định vĩ mô gồm nhiều việc, không chỉ lạm phát, mà còn là lành mạnh tài chính, bảo đảm cán cân thanh toán, cân đối ngân sách, nợ công… Ông Võ Trí Thành nhấn mạnh, thời gian tới chính sách tài khóa cần tiếp tục là điểm tựa. Bên cạnh chính sách tài khóa đã thực hiện, thời điểm này chính sách tiền tệ cần thận trọng nhưng linh hoạt dịch chuyển tín dụng vào các lĩnh vực như doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi, dự án tốt tiếp tục được bơm vốn, tạo thanh khoản cho thị trường…

Tại cuộc thảo luận về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tuyệt đối không được chủ quan, phải nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, tăng cường năng lực phân tích, dự báo và kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành. Sử dụng chủ động, linh hoạt và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các công cụ chính sách để thực hiện ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững, kiểm soát dịch bệnh, dự báo được rủi ro, nâng cao khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục