Ông Biden giới thiệu chủ trương đối ngoại: “Nước Mỹ đã trở lại”

0:00 / 0:00
0:00

Đây là một sự đảo ngược chủ trương “Nước Mỹ trên hết” (“America First”) của Tổng thống Donald Trump...

Ông Joe Biden phát biểu ngày 24/11 tại Delaware - Ảnh: Reuters.
Ông Joe Biden phát biểu ngày 24/11 tại Delaware - Ảnh: Reuters.

Ông Joe Biden, người được truyền thông Mỹ gọi là Tổng thống đắc cử, ngày 24/11 nói rằng nước Mỹ sẽ "sẵn sàng lãnh đạo" trở lại trên trường quốc tế - một sự đảo ngược chủ trương "Nước Mỹ trên hết" ("America First") của Tổng thống Donald Trump. Với tuyên bố này, ông Biden cam kết tăng cường hợp tác với các quốc gia đồng minh của Washington.

Theo tin từ Reuters, trong bài phát biểu giới thiệu chủ trương chính sách đối ngoại và đội ngũ an ninh quốc gia của chính quyền đang được thành lập, ông Biden phát tín hiệu rằng sau khi chính thức tiếp quản Nhà Trắng vào ngày 20/1/2021, ông sẽ chèo lái nước Mỹ khỏi chủ nghĩa dân tộc đa phương mà ông Trump theo đuổi 4 năm qua.

Kể từ khi trở thành người lãnh đạo nước Mỹ, ông Trump đã gây "mất lòng" nhiều đồng minh của Mỹ, cả ở châu Âu và nhiều khu vực khác trên thế giới. Ông thể hiện một lập trường đối nghịch với khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và trong quan hệ thương mại, đồng thời từ bỏ nhiều thỏa thuận quốc tế, nhưng lại nhiều lần tỏ thân mật với lãnh đạo các quốc gia vốn là địch thủ của Mỹ như Nga và Triều Tiên.

Ông Biden nói rằng đội ngũ của ông, trong đó có trợ lý thân tín Antony Blinken - người được đề cử cho ghế Ngoại trưởng - sẽ xóa bỏ điều mà ông miêu tả là "tư duy cũ kỹ và những thói quen khó bỏ" trong cách tiếp cận với quan hệ đối ngoại.

"Đây là một đội ngũ phản ánh sự thật rằng nước Mỹ đã trở lại, sẵn sàng lãnh đạo thế giới, thay vì rút lui khỏi thế giới, một lần nữa lại ngồi đầu bàn, sẵn sàng đối mặt với kẻ thù và không từ chối các đồng minh, sẵn sàng đứng lên vì các giá trị của chúng ta", ông Biden phát biểu tại sự kiện diễn ra tại quê nhà của ông, thành phố Wilmington thuộc bang Delaware.

Thế giới hiện nay đã thay đổi nhiều so với cách đây 4 năm, khi phe Dân chủ nắm Nhà Trắng lần gần đây nhất. Trung Quốc đang ngày càng mạnh lên, Nga cũng gia tăng ảnh hưởng ở châu Âu, trong khi ảnh hưởng của Mỹ suy giảm do nước này rút khỏi nhiều thỏa thuận quốc tế.

Chính sách đối ngoại của nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của một chính quyền do ông Biden đứng đầu có thể sẽ áp dụng nhiều hơn phương pháp đa phương và ngoại giao nhằm cải thiện mối quan hệ giữa Washington với các đồng minh chủ chốt, đồng thời theo đuổi hướng đi mới trong những vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu.

Lời hứa của ông Biden về thắt chặt quan hệ với đồng minh, bao gồm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, được đưa ra giữa lúc quan hệ song phương Mỹ-Trung, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, rơi xuống mức thấp nhất nhiều thập kỷ, dẫn tới sự so sánh với chiến tranh lạnh trước đây. Năm cầm quyền thứ tư của ông Trump được đánh dấu bởi loạt mâu thuẫn giữa hai siêu cường trong nhiều lĩnh vực, từ cách Trung Quốc xử lý đại dịch, vấn đề Huawei, cho tới vấn đề Hồng Kông và Biển Đông.

Giới phân tích cho rằng bằng cách tăng cường hợp tác với các quốc gia khác, Mỹ có thể gia tăng lợi thế trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Biden có thể tương tác nhiều hơn với Trung Quốc, nhưng sự cứng rắn sẽ duy trì.

"Tôi đã trao đổi với hơn 20 nhà lãnh đạo thế giới và họ hài lòng, ít nhiều hào hứng với việc nước Mỹ sẽ tái khẳng định vai trò trên trường quốc tế và quay trở lại làm một nhà xây dựng liên minh", ông Biden nói khi trả lời phỏng vấn hãng tin NBC.

Tin cùng chuyên mục