Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/7 bất ngờ chỉ trích chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), dù hầu hết các chuyên gia kinh tế tin rằng lạm phát cao nhất 7 năm và tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất 40 năm là cơ sở để FED nâng lãi suất và đồng USD tăng giá.
Người đứng đầu Nhà Trắng nói ông lo ngại về ảnh hưởng tiềm tàng của việc lãi suất tăng và đồng USD mạnh lên đối với nền kinh tế Mỹ và khả năng cạnh tranh của các công ty Mỹ.
"Tôi chẳng lấy gì làm vui mừng", ông Trump nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh CNBC. "Vì mỗi khi nền kinh tế đi lên, họ (FED) lại muốn nâng lãi suất… Nhưng tôi sẽ để cho họ làm những gì mà họ cảm thấy là tốt nhất".
Ông Trump cũng nói ông cảm thấy lo ngại khi "đồng tiền của Trung Quốc đang rơi như một hòn đá" và đồng USD mạnh "đặt chúng ta vào thế bất lợi".
Trong phiên giao dịch ngày thư Năm, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác có lúc đạt mức cao nhất 1 năm, nhưng đã không giữ được mức đỉnh này sau phát biểu của ông Trump.
Sau 6 năm giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục nhằm đưa kinh tế Mỹ hồi phục sau khủng hoảng tài chính 2008, FED đã bắt đầu nâng dần lãi suất từ tháng 12/2015. Kể từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2017 đến nay, FED đã có 5 đợt tăng lãi suất, trong đó lần tăng gần nhất diễn ra vào tháng 6 vừa qua.
Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ ở ngưỡng thấp nhất kể từ thập niên 1960 và lạm phát cơ bản tháng 6 của nước này đạt 2,9%, FED phát tín hiệu sẽ duy trì tiến độ tăng lãi suất từ tốn. Theo dự báo, FED sẽ có thêm hai lần nâng lãi suất trong năm 2018 và ba lần nâng nữa trong năm 2019.
Kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định, với mức tăng khoảng 2% trong quý 1 năm nay, và lãi suất đồng USD tăng - trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) giữ lãi suất ở mức thấp - là nguyên nhân chính khiến tỷ giá đồng USD lên mức cao nhất trong 1 năm.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump đi ngược lại "truyền thống" của các Tổng thống Mỹ là tôn trọng sự độc lập của FED - trong đó các nhà lãnh đạo thường tránh bình luận về lãi suất hay tỷ giá đồng USD.
"Giờ tôi chỉ nói những điều mà tôi sẽ nói với tư cách một công dân bình thường", ông Trump nói. "Nhiều người có thể cho rằng tôi không nên nói như vậy vì tôi là Tổng thống, nhưng quan điểm của tôi không hề thay đổi".
Sau đó, Nhà Trắng ra một tuyên bố nói rằng ông Trump tôn trọng sự độc lập của FED và không can thiệp vào các quyết sách của ngân hàng trung ương này.
Ông Trump thường "khoe" rằng các chính sách của ông, đặc biệt là chương trình cắt giảm thuế, là động lực tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ. Trong khi đó, phần lớn các chuyên gia kinh tế cho rằng sự khởi sắc này của kinh tế Mỹ là nhờ FED có một thời gian dài giữ lãi suất thấp kỷ lục và bơm thanh khoản vào nền kinh tế - theo hãng tin Reuters.
Giới chuyên gia kinh tế cũng cho rằng việc FED nâng lãi suất là hợp lý, xét tới lạm phát cơ bản của Mỹ đã lên mức cao nhất kể từ năm 2011 và tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 4%.
"Điều khiến đồng USD tăng giá mạnh là sức mạnh của nền kinh tế Mỹ", ông Michael O’Rourke, chiến lược gia trưởng thị trường thuộc Jones Trading, nhận xét. "Chúng tôi dự báo kinh tế Mỹ tăng 4% trong quý 2, thất nghiệp thấp kỷ lục, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp thấp nhất 50 năm và lạm phát trên ngưỡng mục tiêu".
"Tất cả những yếu tố này là cơ sở để FED tiếp tục nâng lãi suất và nền kinh tế đang mạnh, trong khi có nhiêu vấn đề toàn cầu đang diễn ra: chiến tranh thương mại, nỗi lo của châu Âu về sự bế tắc của Brexit. Tôi không có gì ngạc nhiên khi đồng USD tăng giá cao hơn".
Theo giới chuyên gia, rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ chính là các chính sách của ông Trump, nhất là việc ông áp thuế quan lên hàng hóa từ Trung Quốc và châu Âu, cùng nhiều nước đồng minh Mexico, Canada.
Thuế quan có thể đẩy chi phí đầu vào gia tăng đối với các doanh nghiệp Mỹ, khiến họ phải tăng giá bán sản phẩm hoặc chấp nhận tỷ suất lợi nhuận giảm.
Mặc dù vậy, các chuyên gia không cho rằng những phát biểu của ông Trump sẽ có nhiều ảnh hưởng lên chính sách của FED hay thị trường.
"Tôi không cho rằng chính quyền sẽ có bất kỳ hành động nào nhằm hạn chế quyền lực của FED", chuyên gia kinh tế Thomas Simons thuộc ngân hàng đầu tư Jefferies ở New York nhận định.