Ông Trump: Brexit "có thể giết chết thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh"

Không nằm ngoài những đồn đoán trước đó của giới quan sát, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra tuyên bố gây tranh cãi theo hướng hoài nghi về kế hoạch Brexit vừa được Chính phủ Anh công bố ngày 12/7. 
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và phu nhân Melania Trump (trái) tới sân bay Stansted Airport, Anh ngày 12/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và phu nhân Melania Trump (trái) tới sân bay Stansted Airport, Anh ngày 12/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trả lời phỏng vấn độc quyền của tờ The Sun (Anh) ngay trước khi rời Brussels (Bỉ) sau khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO để bắt đầu chuyến thăm làm việc tới Anh trong 4 ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Anh có thể sẽ không đạt được thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ nếu vẫn tiếp tục triển khai kế hoạch Brexit hiện nay. 

Ông Trump cho rằng kế hoạch Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May có thể sẽ “giết chết thỏa thuận thương mại tự do Anh-Mỹ” vì điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ phải đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) thay vì đàm phán trực tiếp với Anh.

Cũng đã có nhiều ý kiến chỉ trích kế hoạch của Thủ tướng Anh về tương lai quan hệ với EU khi cho rằng việc bà May tỏ ý muốn tuân thủ các quy định của EU về sản phẩm nông nghiệp sẽ ngăn cản một thỏa thuận thương mại với Mỹ. Điều này xuất phát từ việc Mỹ chắc chắn sẽ yêu cầu thỏa thuận thương mại tự do này phải bao gồm các sản phẩm nông nghiệp biến đổi gen, thịt bò bổ sung hormone tăng trưởng và thịt gà rửa bằng chlor - những sản phẩm bị cấm ở châu Âu. 

Tổng thống Mỹ cũng cho rằng nội dung của Sách trắng do Chính phủ Anh công bố ngày 12/7 về tương lai quan hệ hậu Brexit với EU “là một thỏa thuận khác xa những gì người dân Anh đã bỏ phiếu lựa chọn.”

Không chỉ tỏ ý không hài lòng về việc Thủ tướng Anh đã không nghe theo những gì Tổng thống Mỹ “góp ý” về cách thức tiến hành Brexit, ông Trump còn đi xa hơn khi tuyên bố cựu Ngoại trưởng Anh vừa từ chức Boris Johnson “có thể là một Thủ tướng giỏi.” 

Những tuyên bố “gây sốc” này của ông Trump khiến dư luận không khỏi hoài nghi hiệu quả của những nỗ lực mà Thủ tướng Anh đang theo đuổi nhằm bảo đảm một thỏa thuận thương mại tự do đầy tham vọng giữa Anh và Mỹ sau khi Anh đã rời khỏi EU. 

Bà May đã dành gần như cả tuần qua để thuyết phục những người chỉ trích rằng kế hoạch Brexit được nội các của bà thông qua hồi cuối tuần trước vẫn cho phép nước Anh ký kết các thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ và các nước khác sau Brexit. 

Hoạt động nổi bật đầu tiên trong chương trình chuyến thăm của Tổng thống Mỹ là bữa tiệc trang trọng tối 12/7 tại Cung điện Blenheim, nơi sinh của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill. 

Phát biểu trước Tổng thống Mỹ và đại diện hơn 100 doanh nghiệp hàng đầu của Anh, bà May khẳng định Brexit là cơ hội cho Anh xây dựng một thỏa thuận “chưa từng có tiền lệ” với Mỹ trong việc thúc đẩy việc làm và tăng trưởng của cả hai bên. 

Bà May viện dẫn con số hơn 1 triệu người Mỹ đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu của nước Anh và khẳng định Brexit sẽ là cơ sở để “dẹp bỏ những rào cản quan liêu đang gây trở ngại cho doanh nghiệp hai bờ Đại Tây Dương.” 

Trong khi bà May tìm mọi cách để lấy lòng Tổng thống Mỹ thì rất nhiều người dân Anh lại có quan điểm hoàn toàn trái ngược trong cách chào đón ông Trump. 

Ngay khi Tổng thống Mỹ đặt chân xuống sân bay, người biểu tình đã tập trung bên ngoài dinh thự của Đại sứ Mỹ ở London, nơi ông Trump nghỉ lại trong hai đêm 12 và 13/7. 

Khoảng 1.000 người cũng đã tập trung biểu tình bên ngoài Cung điện Blenheim, nơi bà May tổ chức tiệc chào đón Tổng thống Mỹ./. 

Tin cùng chuyên mục