Ảnh Internet |
Cụ thể, theo Hãng tin Reuters, OPEC+ đã nhất trí sẽ duy trì cắt giảm sản lượng dầu ở mức 9,7 triệu thùng/ngày cho đến cuối tháng 7/2020, thay vì cắt giảm 7,7 triệu thùng/ngày sau tháng 6 này như thỏa thuận đạt được hồi tháng 4 vừa qua.
“Nhu cầu đang trở lại trong bối cảnh các nền kinh tế tiêu thụ dầu mỏ lớn đang dần nới lỏng các lệnh phong tỏa vì đại dịch. Thế nhưng nguy cơ và thách thức vẫn còn ở phía trước”, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman phát biểu tại cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng của OPEC+ ngày 6/ 6.
OPEC+ cũng yêu cầu các quốc gia như Nigeria và Iraq vốn chưa đạt mục tiêu cắt giảm sản lượng dầu trong tháng 5 phải giảm mạnh hơn nữa trong những tháng tới để bù cho sản lượng dư thừa của mình. Mức cắt giảm sản lượng dầu của các nước thành viên OPEC+ sẽ được rà soát theo từng tháng và cuộc họp cấp bộ trưởng OPEC+ tiếp theo, dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 18/6 tới.
Ông Abdulaziz bin Salman cho rằng nếu muốn “bảo đảm sự ổn định khó lắm mới đạt được trong thị trường dầu mỏ toàn cầu và khôi phục niềm tin vào sự thống nhất cũng như hiệu quả của cả OPEC+”, điều quan trọng là các quốc gia thành viên phải “tuân thủ nghiêm” thỏa thuận.
Tuy nhiên, Mexico là thành viên duy nhất của OPEC+ đã từ chối tham gia thỏa thuận gia hạn. Bộ trưởng Năng lượng nước này tuyên bố nước này vẫn sẽ chỉ tuân thủ thỏa thuận đạt được hồi tháng 4 vừa qua, theo đó cắt giảm 100.000 thùng dầu/ngày trong tháng 5, tháng 6 và không thể cắt giảm hơn nữa.
Cuối tuần trước, giá dầu Brent đã tăng lên mức kỷ lục trong vòng 3 tháng qua, vượt ngưỡng 42 USD/thùng, sau khi rớt thảm xuống dưới 20 USD/thùng hồi tháng 4. Dù vậy, giá dầu hiện nay vẫn thấp hơn 1/3 so với hồi cuối năm 2019.