OPEC+ nới sản lượng sau cuộc gọi của Mỹ, giá dầu bất ngờ tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
Trái với dự báo, cuộc họp ngày 1/4 của OPEC+ đã đi đến quyết định nới sản lượng khai thác dầu...
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg

Trái với dự báo, cuộc họp ngày 1/4 của OPEC+ đã đi đến quyết định nới sản lượng khai thác dầu, sau khi liên minh này nhận được lời đề nghị của Mỹ. Tuy vậy, giá dầu vẫn tăng mạnh trong phiên giao dịch cùng ngày.

Trong một cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc họp của OPEC+, Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Saudi Arabia, hoàng tử Abdulaziz bin Salman, nói liên minh này sẽ nâng sản lượng khai thác dầu hàng ngày thêm 350.000 thùng trong tháng 5; 350.000 thùng trong tháng 6; và thêm 441.000 thùng nữa trong tháng 7.

Cùng với đó, Saudi Arabia cũng sẽ thu hẹp dần mức cắt giảm sản lượng tự nguyện mà nước này đang thực thi, theo đó nâng sản lượng dầu hàng ngày từ mức hiện tại thêm 250.000 thùng trong tháng 5; 350.000 thùng trong tháng 6; và 400.000 thùng trong tháng 7.

OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các đồng minh ngoài khối, đang áp dụng mức hạn chế sản lượng 8,2 triệu thùng/ngày, trong đó có 1 triệu thùng/ngày là cắt giảm sản lượng tự nguyện của Saudi Arabia.

Trước cuộc họp lần này của OPEC+, phần đông giới phân tích cho rằng liên minh sẽ giữ nguyên mức hạn chế sản lượng trong tháng 5, bởi triển vọng phục hồi nhu cầu dầu đang yếu đi do làn sóng đại dịch Covid-19 mới ở châu Âu.

Tuy nhiên, OPEC+ đã đưa ra một quyết định trái ngược.

Theo nhận định của ông Manish Raj, Giám đốc tài chính thuộc Valendera Energy, quyết định của OPEC+ "có vẻ là một động thái đầy rủi ro trong bối cảnh những bấp bênh trong nhu cầu tiêu thụ dầu".

"Nhưng thị trường lại đang hào hứng, bởi con số sản lượng từ nay đến hết tháng 7 đã trở nên rõ ràng. Quyết định ngày hôm nay đã xóa đi sự bấp bênh của việc lên kế hoạch sản lượng cho từng tháng mà OPEC+ đã áp dụng kể từ tháng 12", ông Raj nói.

Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao tháng 5 tại thị trường New York tăng 2,29 USD/thùng, tương đương tăng 3,9%, chốt ở 61,45 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 6 tại thị trường London tăng 2,12 USD/thùng, tương đương tăng 3,4%, đạt 64,86 USD/thùng.

"Thỏa thuận của OPEC+ đã hỗ trợ giá dầu, nhưng cũng giúp tránh được khả năng giá dầu tăng vọt khi nhu cầu tiêu thụ khởi sắc", Phó chủ tịch Ann-Louise Hittle của Wood Mackenzie nhận định với trang MarketWatch.

Theo bà Hittle, Wood Mackenzie dự báo đến quý 3 năm nay, nhu cầu tiêu thụ dầu của Mỹ sẽ phục hồi mạnh và tổng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 6,2 triệu thùng/ngày trong năm 2021.

Quyết định trên của OPEC+ được đưa ra sau một thời gian giá dầu tăng mạnh và lời kêu gọi từ Mỹ muốn giá năng lượng được giữ ở mức phải chăng.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho biết đã có một cuộc điện đàm "tích cực" với người đồng cấp Saudi Arabia trước cuộc họp của OPEC+. "Chúng tôi đã khẳng định tầm quan trọng của hợp tác quốc tế để đảm bảo mức giá phải chăng và nguồn cung đáng tin cậy năng lượng cho người tiêu dùng", bà Granholm viết trên Twitter.

Thời điểm diễn ra cuộc điện đàm cho thấy Mỹ muốn chứng kiến nguồn cung dầu tăng lên sau khi giá dầu Brent tăng 70% trong 5 tháng trở lại đây. Giá xăng bán lẻ tại Mỹ cũng tăng mạnh lên mức 2,88 USD/gallon.

Tại cuộc họp báo, ông Abdulaziz phủ nhận việc cho rằng sức ép từ Mỹ đã buộc OPEC+ phải nới sản lượng. Ông nói với các nhà báo rằng ông không bàn chuyện thị trường dầu với bà Granholm. "Chúng tôi đã không nói về dầu, thị trường dầu hay giá dầu", ông phát biểu.

Một số chuyên gia vẫn giữ quan điểm thận trọng về triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.

"Mấu chốt của vấn đề là thị trường sẽ có thêm 2 triệu thùng dầu mỗi ngày sau 3 tháng nữa", nhà phân tích Louise Dickson thuộc Rystad Energy nhấn mạnh. "Chúng ta vẫn luôn biết rằng số dầu này rốt cục sẽ quay trở lại thị trường, nhưng câu hỏi đặt ra lúc này là liệu số dầu đó có trở lại quá sớm so với những gì mà thị trường có thể hấp thụ".

Năm ngoái, khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu, OPEC+ lúc đầu nhất trí giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày, sau đó thu hẹp mức cắt giảm còn 7,7 triệu thùng/ngày. Từ tháng 1 năm nay, khối áp dụng mức hạn chế sản lượng 7,2 triệu thùng/ngày.

Tin cùng chuyên mục