Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Thanh Tuấn/Vietnam+) |
Sự kiện thu hút sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu thuộc CSIS cùng đông đảo chuyên gia-học giả của Mỹ và các nước.
Hội thảo có chủ đề “Phân xử Biển Đông: Dự đoán các bước đi và biện pháp đối phó tiếp theo.”
Theo các chuyên gia CSIS, kịch bản dễ xảy ra nhất là Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sẽ ra phán quyết bác bỏ “đường chín đoạn” (hay còn gọi là đường lưỡi bò) đầy phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo ông Ernest Bower, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của CSIS, Trung Quốc sẽ không tuân thủ phán quyết của tòa và đây là cách phản ứng rất nguy hiểm vì điều đó đồng nghĩa với việc Bắc Kinh phủ nhận luật pháp quốc tế và từ chối giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp pháp lý.
Trong khi đó, bà Amy Searight, Cố vấn cấp cao Chương trình trình Đông Nam Á của CSIS, cho rằng dù tòa ra phán quyết như thế nào, thì căng thẳng vẫn sẽ leo thang ở Biển Đông. Theo bà, Bắc Kinh đã có các bước chuẩn bị cho việc không tuân thủ phán quyết của tòa.
Các học giả CSIS dự đoán 5 kịch bản Trung Quốc có thể hành động ở Biển Đông sau phán quyết của PCA, trong đó có khởi động hoạt động bồi đắp mới hay thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) và triển khai trái phép các máy bay tiêm kích tới Quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Các chuyên gia đồng thời khẳng định phán quyết của tòa cũng sẽ là “phép thử” đối với cam kết của Mỹ ở khu vực này. Tuy nhiên, các chuyên gia nhất trí cho rằng việc Mỹ chưa phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 là một rào cản lớn làm giảm tiếng nói của nước này.
Cuộc thảo luận của CSIS diễn ra trong bối cảnh xuất hiện thông tin cho rằng Toà Trọng tài Thường trực có trụ sở tại La Hay (Hà Lan) ngày 7/7 tới sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan việc diễn giải và áp dụng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.