PCI 2020: Không sợ hết dư địa cho cải cách

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đồng Tháp, Quảng Ninh là những địa phương nhiều năm liền nằm trong top 5, top 10 địa phương đứng đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Những tưởng như các tỉnh này đã hết dư địa cho cải cách, nhưng kết quả PCI 2020 cho thấy họ tiếp tục xác lập nên kỷ lục mới. Điều này cho thấy không có giới hạn cải cách nào cho các địa phương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng PCI năm thứ 4 liên tiếp với số điểm đánh giá 75,09, tăng 1,69 điểm so với năm 2019. Ảnh: Internet
Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng PCI năm thứ 4 liên tiếp với số điểm đánh giá 75,09, tăng 1,69 điểm so với năm 2019. Ảnh: Internet

Theo Báo cáo PCI 2020, năm 2020 là năm thứ 4 liên tiếp Quảng Ninh duy trì vị trí quán quân. Điểm đặc biệt là địa phương này đã xác lập nên một kỷ lục mới so với chính mình là đạt 75,09 điểm, tăng 1,69 điểm so với năm 2019 (73,4 điểm). Trong 10 chỉ số thành phần của PCI, có 7 chỉ số tăng điểm và 3 chỉ số trong đó có mức tăng điểm rất lớn là chi phí thời gian (từ 7,89 điểm năm 2019 lên 8,53 điểm năm 2020), dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (từ 6,68 điểm năm 2019 lên 7,58 điểm năm 2020), đào tạo lao động (từ 7,95 điểm năm 2019 lên 8,41 điểm năm 2020). 3 chỉ số có sụt giảm là tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp và tính năng động của chính quyền địa phương.

Trao đổi bên lề buổi lễ công bố PCI 2020 diễn ra ngày 15/4, tại Hà Nội, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đây không phải là điều quá bất ngờ và nhiều người có thể dự đoán được bởi họ đã tạo nên một sự thay đổi mạnh mẽ. Tỉnh này là địa phương luôn đi tiên phong về cải cách như: xây dựng trung tâm hành chính công tập trung, tư nhân đầu tư đường cao tốc, sân bay, thành lập ban xúc tiến đầu tư trực thuộc UBND tỉnh, triển khai chỉ số đánh giá cấp huyện... Điều làm nên điểm khác biệt của Quảng Ninh là có chất lượng thực thi tốt nhất cả nước, lan tỏa tới từng hành vi của cán bộ, công chức.

Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng PCI 2020 là Đồng Tháp. Một lần nữa địa phương này lại vượt qua kỷ lục của chính mình được xác lập năm 2019, từ 72,1 điểm tăng lên 72,81 điểm năm 2020. Đây cũng là năm thứ 13 liên tiếp Đồng Tháp nằm trong top 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước. Các chỉ số tăng ấn tượng trong PCI 2020 là chỉ số chi phí thời gian (từ 8,4 điểm năm 2019 lên 9,5 điểm năm 2020), gia nhập thị trường (từ 6,37 điểm năm 2019 lên 7,18 điểm năm 2020), thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (từ 7,76 điểm năm 2019 lên 8,32 điểm năm 2020), chi phí không chính thức (từ 7,64 điểm năm 2019 lên 8,09 điểm năm 2020).

Sau 16 năm thực hiện PCI, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nhận xét, khoảng cách giữa các tỉnh đứng đầu và đứng cuối về cả điểm số PCI và PCI gốc ngày càng thu hẹp, có xu hướng cải thiện tích cực. Nhóm tỉnh đứng cuối PCI có những cải thiện tích cực, trong khi thành tựu cải cách của nhóm tỉnh đứng đầu mới chỉ dừng lại ở các lĩnh vực dễ cải cách.

Mặc dù đã đạt được thành tích đáng kể nêu trên, nhưng nhìn vào điểm số PCI 2020 cho thấy, Quảng Ninh vẫn còn 25 điểm để tiếp tục hướng đến cải cách trong thời gian tới.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Mỗi lần công bố kết quả PCI là dịp để Tỉnh soi lại mình, có tiêu chí nào chưa hoàn thiện để đánh giá lại, đưa ra kế hoạch cải thiện trong thời gian tới, lấy nhân dân làm cốt lõi, lấy doanh nghiệp làm động lực. Cái khó nhất là sự quyết tâm của hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của người lãnh đạo, người đứng đầu".

Điều mà ông Nghĩa còn băn khoăn về những vấn đề chưa làm tốt, cần phải tập trung cải thiện trong thời gian tới là chi phí gia nhập thị trường và chi phí tiếp cận đất đai. Theo ông Nghĩa, thời gian qua, Đồng Tháp đã chuẩn bị nhiều khu, cụm công nghiệp để đón nhà đầu tư. Nhưng hiện nay do biến đổi khí hậu, đất đai khan hiếm nên chi phí tăng cao, khiến nhà đầu tư gặp khó khăn hơn. Từ đó, việc thu hồi đất cũng khó khăn hơn, khó đào tạo, chuyển đổi việc làm cho người dân sau thu hồi đất...

Mặc dù vẫn nằm trong top 10 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI 2020, nhưng năm nay Bắc Ninh có sự tụt hạng so với năm 2019 (từ vị trí thứ 4 xuống vị trí thứ 10, tương ứng giảm điểm từ 70,79 năm 2019 xuống 66,74 năm 2020). Trong 10 chỉ số thành phần của PCI 2020 thì có tới 6 chỉ số giảm điểm. Trong đó, các chỉ số sụt giảm mạnh trong mắt doanh nghiệp là tính minh bạch, tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Đối với những chỉ tiêu giảm điểm, theo ông Vương Quốc Tuấn - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, Tỉnh sẽ cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại để đề ra giải pháp hữu hiệu, thực hiện đồng bộ trong thời gian tới. Đối với những chỉ số thành phần đã có chuyển biến tích cực, cần tiếp tục cải thiện theo đà tăng điểm. Đối với với các chỉ số giảm điểm, Tỉnh cần xây dựng kế hoạch để tạo ra sự chuyển biến, trong đó coi trọng tính kỷ cương, sự đồng hành của cả hệ thống chính quyền các cấp, nhằm tháo gỡ nút thắt cho doanh nghiệp. Trong đó, tính minh bạch là chỉ số giảm điểm lớn nhất, nên cần nâng cao sự quan tâm của chính quyền Tỉnh, làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân, nhất là sme tiếp cận thông tin đầy đủ. Một trong những lý do khiến chỉ số tiếp cận đất đai bị giảm điểm là liên quan đến dư địa đất đai hạn chế của Bắc Ninh, do diện tích đất tự nhiên của Tỉnh nhỏ nhất toàn quốc, tuy vậy, trong năm 2021, Tỉnh sẽ chú trọng cải thiện chỉ số này...

Tin cùng chuyên mục