Phác họa hình hài 3 đặc khu kinh tế

(BĐT) - Dự Luật Đơn vị hành chính  - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) sắp được đưa ra lấy ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phác họa hình hài của 3 đặc khu trong tương lai của Việt Nam. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Nếu được thông qua, 3 đặc khu sẽ có những lĩnh vực thế mạnh đặc thù để phát huy tốt nhất lợi thế riêng có, tạo tác động lan tỏa tới kinh tế cả vùng và cả nước.

Theo Ban soạn thảo Luật Đơn vị HCKTĐB, ngành, nghề ưu tiên phát triển cho 3 đơn vị HCKTĐB (gọi tắt là đặc khu) được xác định dựa trên cơ sở đánh giá định tính tiềm năng, lợi thế của từng khu vực và đánh giá định lượng với sự phối hợp của tư vấn nước ngoài. Các chính sách ưu đãi được thiết kế tương ứng ưu đãi cho các ngành, nghề đặc thù.

Ở phía Bắc, đặc khu Vân Đồn sẽ là nơi tập trung phát triển các nhóm ngành, nghề công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, công nghiệp văn hóa; dịch vụ hàng không và hậu cần hàng không; dịch vụ thương mại và mua sắm.

Những lĩnh vực này được xác định do Vân Đồn hội tụ nhiều lợi thế, như hệ thống giao thông kết nối quốc gia thuận lợi đang được triển khai; có khả năng phát triển các ngành công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao dựa trên sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc gồm các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc. Đặc biệt, nằm trong vùng Vịnh Hạ Long và còn có Vườn quốc gia Bái Tử Long, Vân Đồn có tiềm năng lớn để phát triển các hoạt động du lịch sinh thái và các hoạt động liên quan đến đường bờ biển. Vân Đồn cũng nằm trong đầu mối giao thương Trung Quốc - ASEAN, có thể tiếp cận thị trường 23 triệu dân trong bán kính 4 - 5 giờ lái xe ô tô và 3,5 tỷ dân trong bán kính 4 - 5 giờ bay. Ngoài ra, Bộ Chính trị đã đồng ý cho dự án casino tại Vân Đồn thí điểm cho người Việt Nam vào chơi.

Đặc khu nằm ở miền Trung – Bắc Vân Phong lại có những thế mạnh khác. Bắc Vân Phong nằm trong vùng vịnh nước sâu Vân Phong (20 - 25m), kín gió, gần ngã ba của các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng trên biển Đông, có điều kiện thuận lợi về phát triển loại hình giao thông liên vận trong nước và quốc tế. Hiện nay, Chính phủ Thái Lan và một số quốc gia đang đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng kênh Kral để tạo một tuyến hàng hải quốc tế mới. Tuyến này đi qua khu vực Vân Phong sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển cảng trung chuyển quốc tế tại khu vực này. Bên cạnh đó, Bắc Vân Phong có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, điều kiện tự nhiên đặc biệt thuận lợi, địa hình phong phú. Phần diện tích đất chưa sử dụng còn khá lớn và có khả năng khai thác, phục vụ mục đích phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển khu thương mại - tài chính - cảng biển tự do…

Trên cơ sở những thế mạnh đặc biệt này, Bắc Vân Phong trong tương lai được phác họa là một đặc khu tập trung phát triển các nhóm ngành, nghề gồm công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác; cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế; dịch vụ hậu cần cảng biển; thương mại - tài chính.

Đối với Phú Quốc, Dự Luật xác định sẽ tập trung phát triển 3 nhóm ngành, nghề gồm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái; hội nghị, triển lãm quốc tế, dịch vụ thương mại và mua sắm; dịch vụ quản lý tài sản; dịch vụ y tế.

Những lĩnh vực này sẽ phát huy những tiềm năng, thế mạnh riêng có của đảo Ngọc như có vị trí tách biệt, là đảo lớn nhất và đông dân nhất của cả nước; có điều kiện thuận lợi gắn kết bằng đường biển và đường hàng không với các nước ASEAN; có điều kiện thuận lợi về khí tượng thủy văn, môi trường tự nhiên, núi, rừng, biển, hệ sinh thái đa dạng, phong phú; thời tiết ôn hòa, thuận lợi phát triển du lịch quanh năm; có tiềm năng khai thác thủy, hải sản;… Kết cấu hạ tầng của Phú Quốc đã được đầu tư khá đồng bộ và bao gồm nhiều công trình quan trọng như sân bay quốc tế, điện, nước, viễn thông, đường giao thông, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi và đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Bộ Chính trị cũng đã đồng ý cho dự án casino tại Phú Quốc thí điểm cho người Việt Nam vào chơi.

Theo Ban soạn thảo, việc lựa chọn ngành, nghề ưu tiên phát triển cho 3 đơn vị HCKTĐB được xem xét kỹ lưỡng, trên cơ sở đánh giá đầy đủ các thế mạnh, các lợi ích đem lại so với chi phí đầu tư, có sự phối hợp đánh giá với Công ty TNHH Tư vấn Boston - The Boston Consulting (BCG, Mỹ) thông qua mô hình định lượng hóa. Ngoài việc áp dụng chung các chính sách về kinh tế - xã hội, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cho đơn vị HCKTĐB, mỗi đặc khu cũng sẽ có thêm những chính sách đặc thù riêng để phát triển lĩnh vực thế mạnh.

Tin cùng chuyên mục