Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet |
Theo Dự thảo, phạm vi điều chỉnh của Quy hoạch là các đơn vị sự nghiệp y tế trên cả nước thuộc 5 lĩnh vực, gồm: cơ sở khám chữa bệnh (KCB), phục hồi chức năng; cơ sở giám định y khoa, giám định pháp y và pháp y tâm thần; CSYT dự phòng, y tế công cộng; cơ sở kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn về thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, vắc xin và sinh phẩm y tế, trang thiết bị y tế (TTBYT); CSYT thuộc lĩnh vực dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Theo Bộ Y tế, mục tiêu của Quy hoạch là nhằm xây dựng và phát triển mạng lưới CSYT quốc gia phù hợp với yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân thể hiện tính ưu việt của chế độ; tiếp tục kế thừa nhằm đảm bảo tính khả thi và phát triển hệ thống y tế phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của đất nước; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của nhân dân, hướng tới mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.
Cụ thể, Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 32 giường bệnh viện, 15 bác sĩ, 2,8 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng viên/vạn dân; tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10%. Đến năm 2030, đạt 35 giường bệnh viện, 19 bác sĩ, 3,0 dược sĩ đại học, 33 điều dưỡng viên/vạn dân; tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%. Năm 2050 đạt 45 giường bệnh viện, 35 bác sĩ/vạn dân, 90 điều dưỡng/vạn dân; tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 25%.
Bộ Y tế cũng đưa ra 2 kịch bản phát triển y tế tương ứng với 2 kịch bản phát triển KTXH của Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ở kịch bản thấp (kịch bản 1), tổng chi cho y tế tăng theo tốc độ tăng trưởng GDP cả nước, dự báo đạt bình quân 6,26%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025; đạt bình quân 6,34%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030. Tính chung cả giai đoạn 2021 - 2030 đạt bình quân 6,30%/năm. Giai đoạn 2031 - 2050 tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 6,49%/năm.
Do tỷ lệ đầu tư trên GDP dự báo sẽ giảm, nên trong kịch bản này sẽ ưu tiên thành lập, đầu tư mạng lưới CSYT dự phòng, y tế công cộng để ứng phó với các tình huống dịch bệnh khẩn cấp (xây dựng Trung tâm kiểm soát bệnh tật Trung ương, và đầu tư nâng cấp hệ thống labo xét nghiệm cấp quốc gia); Triển khai các dự án đầu tư, phát triển của các cơ sở KCB đã được phê duyệt theo kế hoạch đầu tư trung hạn; đầu tư phát triển các cơ sở KCB tuyến cuối cấp quốc gia và cấp vùng thời kỳ đến năm 2030, nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu của người dân ở mỗi vùng KTXH; phát triển các trung tâm kiểm nghiệm vùng đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực nhằm đáp ứng nhu cầu kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn về chất lượng dịch vụ y tế, thuốc, mỹ phẩm thực phẩm, TTBYT và củng cố sắp xếp lại các cơ sở giám định y khoa, giám định pháp y và pháp y tâm thần.
Ở kịch bản lạc quan hơn (kịch bản 2), tổng chi cho y tế tăng theo tốc độ tăng trưởng GDP cả nước, dự báo đạt bình quân 6,63%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025; đạt bình quân 7,48%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030. Tính chung cả giai đoạn 2021 - 2030 đạt bình quân 7,05%/năm. Giai đoạn 2031 - 2050, tốc độ tăng trưởng có khả năng đạt 7,16%/năm. Nếu đạt được kịch bản này, ngành y tế sẽ tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở KCB hiện đại, ngang tầm khu vực và quốc tế theo tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017; phấn đấu thành lập các khu phức hợp y tế có tính cạnh tranh cao với các nước trong khu vực và đảm nhận vai trò của các cơ sở cấp vùng quốc tế tại khu vực miền Bắc (TP. Hà Nội), miền Trung (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và miền Nam (TP.HCM).