Thủ tướng cho rằng, đây là vấn đề rất mới, rất lớn đối với Việt Nam, chỉ có chuỗi giá trị mới giải quyết được một cách thuận lợi bài toán phát triển đối với bất cứ mặt hàng nào; gắn dược liệu với y học cổ truyền cũng như gắn y học hiện đại với y học cổ truyền. Việc kết hợp phải từ các trường y, từ các ngành, các cấp, đặc biệt trong ngành y tế. Có biện pháp tăng cường chất lượng dược liệu như xây dựng bộ tiêu chuẩn dược liệu, bảo vệ nguồn gen.
Đồng ý với các ý kiến cho rằng Việt Nam có tiềm năng lớn cho phát triển của ngành dược liệu, Thủ tướng nhấn mạnh, các chủ trương, chính sách như quy hoạch sản xuất, tổ chức sản xuất phải gắn với chế biến bởi nếu làm thô thì khó bảo quản, hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, tổ chức đầu ra, tiêu thụ sản phẩm của dược liệu, bao gồm cả trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng thống nhất với quan điểm lấy kinh tế tư nhân, gồm doanh nghiệp tư nhân và hộ cá thể để làm động lực phát triển. Cần tổ chức một số trung tâm sản xuất, chế biến dược liệu ở các vùng miền khác nhau để sản xuất quy mô lớn.
Theo Chủ tịch Vimames Tạ Ngọc Dũng nhu cầu sử dụng dược liệu tại nước ta rất lớn. Trong thời kỳ bao cấp, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng sản phẩm "Cao Sao Vàng" đã xuất khẩu đạt trên 2 triệu USD, một lượng ngoại tệ quý giá cho phát triển đất nước. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, chúng ta lại nhập khẩu rất lớn, đến 70-80% dược liệu. Việc quản lý chất lượng còn bất cập, thiếu hệ thống dữ liệu toàn quốc.
Để chuẩn bị tốt nội dung cho một hội nghị toàn quốc về vấn đề này dự kiến diễn ra tháng 4/2017, tại cuộc làm việc Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và kỳ vọng hội nghị sẽ góp phần thúc đẩy thế mạnh của Việt Nam trong phát triển dược liệu.