Doanh nghiệp cần phải chú trọng đầu tư cho hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin để tăng cường năng lực và lợi thế cạnh tranh |
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh như vậy tại Lễ ra mắt hệ sinh thái hạ tầng mở C.OPEN của Tập đoàn Công nghệ CMC diễn ra ngày 9/4/2019 tại Hà Nội.
Phát triển lợi thế cạnh tranh
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết, trong khoảng 10 năm trở lại đây, các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới như Amazon, Google, Alibaba… đã có chiến lược xây dựng hệ sinh thái khai thác và chia sẻ dữ liệu của họ để duy trì và phát triển lợi thế cạnh tranh. Tính kết nối của dữ liệu là chìa khóa mấu chốt của công cuộc kinh tế hóa dữ liệu. Các hệ sinh thái đều hướng đến việc tạo ra nền tảng (platform) để liên kết các phần cứng kỹ thuật, phần mềm trên nền tảng Internet, hệ điều hành và các ứng dụng chạy trên các phần cứng đó. Hệ sinh thái được xem là một yếu tố sống còn đối với bất cứ doanh nghiệp công nghệ nào. Hệ sinh thái mở ứng dụng cho doanh nghiệp và tổ chức mà CMC ra mắt lần này cho phép các cơ quan, doanh nghiệp và khách hàng có thể liên kết và chia sẻ tài nguyên dữ liệu trên môi trường số. Với hệ sinh thái này, CMC muốn đồng hành cùng xây dựng quốc gia số, đưa Việt Nam trở thành một trung tâm về kết nối và lưu trữ dữ liệu, chia sẻ tri thức của thế giới về Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trung tâm của công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam là trên 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nếu tính cả các hộ kinh doanh thì chúng ta có tới trên 6 triệu chủ thể thị trường. Chuyển đổi số cho 6 triệu chủ thể này không có cách nào khác là phải dựa trên nền tảng đám mây. Chúng ta sẽ phải cần đến hàng ngàn doanh nghiệp làm dịch vụ chuyển đổi số để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.
"Hôm nay, chúng ta lại chứng kiến những bước đi đầu tiên nhưng mạnh mẽ để đưa Việt Nam thành "hub" về kết nối và lưu trữ, xử lý dữ liệu của khu vực. Chúng ta sẽ không nhỏ khi có những khát vọng lớn. Muốn tập trung nhân tài, muốn đi xa, muốn tăng trưởng gấp đôi để trở thành doanh nghiệp tỷ đô trong vòng 5 năm, muốn trở thành doanh nghiệp công nghệ toàn cầu thì đầu tiên phải có một giấc mơ lớn. Trong đó, ICT (kết hợp công nghệ thông tin và công nghệ truyền thông) là nền tảng thúc đẩy các ngành khác phát triển và đổi mới sáng tạo, nhất là về áp dụng công nghệ số” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Tiết giảm 30% chi phí đầu tư
Tại Tọa đàm “Nền tảng cho kinh tế số” diễn ra ngày 9/4/2019 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng, doanh nghiệp sẽ hành động thông minh hơn nhờ chuyển đổi số. Bài toán cốt lõi của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay chính là hạ tầng kinh tế số. Và để tạo nên năng lực và lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp cần phải chú trọng đầu tư cho hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin để tích hợp dữ liệu, áp dụng các ứng dụng thông minh, phục vụ tốt hơn, nhanh hơn nhu cầu của khách hàng.
Theo ông Nguyễn Trung Chính, hệ sinh thái hạ tầng mở có thể nhanh chóng tạo ra các dịch vụ hành chính công, chính phủ điện tử nhanh, an toàn, hiệu quả, giảm chi phí đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin cho các tổ chức, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp và ít nhất sẽ tiết giảm được 30% chi phí đầu tư cho các chủ thể nếu tự đầu tư. Với tính bảo mật nhiều lớp, doanh nghiệp, tổ chức có thể yên tâm khi chuyển dịch vụ của họ lên nền tảng số. Khi đó, hệ thống dữ liệu của cơ quan, doanh nghiệp sẽ đáng tin cậy hơn, chất lượng dịch vụ sẽ nhanh hơn, hiệu quả, tiết kiệm chi phí và an toàn hơn.
Chia sẻ tại Tọa đàm, đại diện Công ty CP VCCorp cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải quan tâm đến chuyển đổi công nghệ số. Tuy nhiên, công cuộc chuyển đổi kinh tế số cho doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ gặp những khó khăn nhất định vì gần 90% số lượng doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa (họ bị hạn chế bởi năng lực, nguồn lực đầu tư). Chính vì vậy, các doanh nghiệp công nghệ cần chủ động nghiên cứu và tìm hiểu những dịch vụ công nghệ thông tin cần thiết cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đưa ra các giải pháp phát triển và áp dụng công nghệ số phù hợp với khả năng đầu tư và hiệu quả đối với sản phẩm dịch vụ của họ.