Dòng vốn ngoại ẩn chứa nhiều rủi ro vì khi vay bằng USD, bên đi vay phải chịu mọi rủi ro về ngoại hối. Ảnh: Lê Tiên |
Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), giai đoạn 2021 - 2025, tỷ trọng vốn từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn của các doanh nghiệp nhà nước giảm dần trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, đòi hỏi thu hút hiệu quả hơn nữa nguồn vốn bên ngoài, đặc biệt đối với FDI và FII. Ngoài ra, dòng kiều hối cũng được dự báo gia tăng so với giai đoạn trước, sẽ là nguồn lực lớn bổ sung vào đầu tư, phát triển kinh tế. Trong đó, để tăng trưởng GDP bình quân 6,5%/năm, thì dự báo vốn FDI cần đạt khoảng 6,17% GDP, vốn ODA và các khoản vay ưu đãi cần huy động khoảng 0,61%, vốn FII ước cần 1,12% và kiều hối là 6,69% GDP.
Tuy nhiên, dự báo khả năng huy động/giải ngân các dòng vốn đầu tư từ bên ngoài trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ khó khăn, có xu hướng thấp hơn nhu cầu về vốn bên ngoài cho tăng trưởng. Đáng chú ý, trong bối cảnh dòng vốn ODA và vốn vay ưu đãi suy giảm, đòi hỏi sự gia tăng của dòng vốn FDI và FII thì dự báo mức huy động hai dòng vốn này đang ở mức thấp hơn nhiều so với nhu cầu.
Dù vậy, NCIF khuyến nghị, khi thu hút các nguồn vốn bên ngoài không chỉ chú trọng về số lượng mà còn phải quan tâm đến chất lượng, cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn cho phát triển kinh tế, khai thác tốt nhất sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực.
Song hành với thu hút các dòng vốn bên ngoài, nhiều ý kiến cho rằng phát triển thị trường vốn nội địa cũng quan trọng không kém. Theo ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), duy trì tốc độ đầu tư cao là rất quan trọng để đóng góp cho tăng trưởng giai đoạn tới, nhiều khoản đầu tư lớn trong tương lai, nhất là ứng phó với biến đổi khí hậu, phụ thuộc rất lớn vào khả năng huy động vốn từ thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, ông Jonatan Pincus cho rằng, dòng vốn ngoại có nhiều rủi ro. Đó là, rủi ro tỷ giá khi các bên cho vay nước ngoài không cho vay bằng VND, có nghĩa bên đi vay phải chịu mọi rủi ro về ngoại hối. Với Chính phủ và các doanh nghiệp có doanh thu bằng VND, các khoản nợ bằng USD có thể dẫn đến những tác động lớn và bất ngờ cho bảng cân đối tài sản. Vay nợ nước ngoài cũng tạo ra các khoản nợ ngoại tệ có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ suy thoái. Và vốn nước ngoài có chi phí cao hơn do những rủi ro về tỷ giá.
Ông Jonathan Pincus cũng lưu ý, ngân hàng trung ương các nước đã bơm hàng nghìn tỷ USD vào các thị trường tài chính trong đại dịch Covid-19, chưa kể hàng nghìn tỷ được phát hành trong thời gian khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thanh khoản dư thừa sẽ chảy vào các nước đang phát triển, nơi có khả năng có lợi tức cao hơn. Dòng vốn này có thể dẫn đến bong bóng tài sản và biến động tài chính như giai đoạn 2007 - 2008.
Vì thế, chuyên gia của UNDP khuyến nghị cần ưu tiên xây dựng hạ tầng và cơ sở pháp lý để phát triển thị trường vốn trong nước gồm cả trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bảo hiểm… Những giải pháp cụ thể như phát triển cơ quan xếp hạng tín dụng, đăng ký tài sản, giao dịch điện tử; tổ chức hợp lý các trình tự thủ tục phá sản và trưng thu tài sản; hiện đại hóa Ngân hàng Phát triển Việt Nam để đưa ra các cơ chế cho vay mới, tăng tính minh bạch và hiệu quả…