Phát triển, trọng dụng nhân tài cần “cú huých” lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với dân số 100 triệu, Việt Nam là nước đứng thứ 15 thế giới về dân số. Nguồn lực lao động của Việt Nam không hề ít, nhưng để nắm bắt được vận hội, thời cơ phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, nhu cầu về nhân tài và nhân lực chất lượng cao đang vô cùng lớn và cấp bách, đòi hỏi phải có những giải pháp đột phá và quyết sách sáng tạo, đúng đắn.
Nhân tài ở thời nào cũng có, chỉ khác ở trình độ phát triển của xã hội và cách sử dụng nhân tài. Ảnh: Lê Tiên
Nhân tài ở thời nào cũng có, chỉ khác ở trình độ phát triển của xã hội và cách sử dụng nhân tài. Ảnh: Lê Tiên

Nhân tài là sức mạnh của đất nước

Lịch sử phát triển nhân loại cho thấy, không một quốc gia nào, lĩnh vực nào có thể phát triển nếu không có những bậc hiền tài, những con người kiệt xuất. Đây là “nguyên khí” của đất nước, dân tộc và nhân loại. Dù cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng và robot đang dần thay thế con người làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, nhưng không gì có thể thay thế nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Năm 1439 (584 năm về trước), hàn sĩ Thân Nhân Trung thời nhà Lê đã khẳng định: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế, các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...”. Điều này cho thấy từ ngàn xưa, cha ông ta đã rất coi trọng nhân tài. Nhân tài kinh bang tế thế, nhân tài giúp nước, phò vua, làm cho nhân dân ấm no, hạnh phúc là đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Nhân tài có sức mạnh khai phá và dẫn dắt toàn xã hội đi theo, nhân tài có chức năng kiến tạo cái mới và đưa cái mới thành hiện thực cuộc sống, làm cho cuộc sống con người và toàn xã hội phát triển đi lên.

Thực tế hàng chục nghìn năm lịch sử nhân loại cho thấy, giữa hiền tài và sự phát triển xã hội loài người, vận mệnh của các quốc gia, dân tộc có mối quan hệ hữu cơ, khăng khít và bền chặt. Không có người hiền tài thì không có quốc gia hưng thịnh. Sự suy vi của một đất nước là do nhân tài như “lá mùa thu”.

Là một bộ phận trong lực lượng sản xuất, nhưng nhân tài là lực lượng sản xuất đặc biệt, như cha ông ta từng nói: “một người lo bằng kho người làm”, một cái đầu thông minh có thể thay thế hàng nghìn, hàng vạn, thậm chí hàng triệu người lao động. Trong sự phát triển mọi mặt của xã hội sẽ có những nhân tài khác nhau như: nhân tài lãnh đạo, quản lý đất nước; nhân tài khoa học, nhân tài sáng chế, phát minh; nhân tài làm kinh tế và quản lý kinh tế; nhân tài quân sự, an ninh - quốc phòng; nhân tài y học; nhân tài văn học, nghệ thuật, thể thao... Trên các lĩnh vực chuyên môn, tài năng của họ tạo nên sự phát triển ngày một hiện đại và văn minh của xã hội loài người.

Những nhân tài công nghệ ngày hôm nay đã và đang tạo nên những kỳ tích làm thay đổi thế giới, từ công nghệ nano, công nghệ số đến trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, robot… Nếu không phát triển mạnh mẽ kinh tế số, xã hội số, Việt Nam sẽ tụt hậu xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chỉ có nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao mới có thể đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.

Lịch sử đã chứng minh, nhân tài ở Việt Nam thời nào cũng có, chỉ khác ở việc phát triển, sử dụng nhân tài. Cha ông ta đã dạy: “dùng người như dùng mộc”, loại gỗ tốt thì làm rường cột, loại gỗ vừa thì làm những dụng cụ hữu ích, loại kém nhất thì có thể làm củi đốt, mọi cái đều hữu dụng, có giá trị của nó.

Thực tế hiện nay, việc đào tạo, sử dụng nhân tài và nhân lực chất lượng cao còn nhiều bất cập, yếu kém. Nhiều người được đào tạo bài bản nhưng không được sử dụng, hoặc sử dụng không đúng với khả năng để có thể phát huy. Hơn nữa, chế độ tiền lương quá lạc hậu, quá thấp, không coi trọng tri thức, không coi trọng nhân tài đang là rào cản lớn nhất trong thu hút, giữ chân nhân tài và nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến sự hạn hẹp của tư duy, tầm nhìn của nhiều lãnh đạo đố kỵ, ghen ghét với người tài, hoặc vì dốt mà không dám dùng người tài, nên đã có nhiều hành vi không phù hợp, trù dập, làm mai một tài năng, nguồn lực quan trọng của đất nước.

Khơi thông “điểm nghẽn” nhân lực chất lượng cao

Phát triển nhân tài và nhân lực chất lượng cao thể hiện ở khả năng cung cấp nền giáo dục chất lượng cao, các chương trình thực tập và cơ hội phát triển để mở rộng năng lực toàn cầu của nhân tài.

Để nhân tài có thể phát huy được tài năng, đóng góp thiết thực cho đất nước, trước hết cần đẩy mạnh đổi mới tư duy, nhất là tư duy về dùng người, thực sự coi trọng lao động có tri thức cao. Cần đổi mới mạnh mẽ hệ thống giáo dục, đào tạo ngang tầm thế giới, phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0, học đi đôi với hành. Tiếp thu kinh nghiệm đào tạo nhân tài và nhân lực chất lượng cao ở những nước tiên tiến, có nền kinh tế phát triển cao và vận dụng phù hợp vào hoàn cảnh Việt Nam. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị ngang tầm thế giới. Trong đó, chú trọng chất lượng, hiệu quả đào tạo, đào tạo có trọng tâm, trọng điểm.

Bên cạnh đó, cần mạnh dạn sử dụng người tài và nguồn nhân lực chất lượng cao, giao cho họ những nhiệm vụ, trọng trách tương xứng với sự tin tưởng và khích lệ phù hợp. Lấy kết quả cuối cùng làm thước đo đánh giá hiệu quả lao động của mỗi con người. Tôn trọng sự tự do phát triển tài năng, khuyến khích sáng tạo, phát minh sáng chế, ứng dụng công nghệ cao vào mọi mặt của đời sống. Trọng dụng nhân tài, phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực chất lượng cao đi đôi với sử dụng, đề bạt, thăng tiến và khen thưởng. Cần có cơ chế đề bạt và khen thưởng đặc biệt đối với những nhân tài và nhân lực chất lượng cao khi họ đạt được thành tích nổi bật.

Thay đổi chế độ tiền lương, coi tiền lương là thước đo giá trị sức lao động của con người. Tiền lương phải là thu nhập chính đủ nuôi người lao động về mọi mặt. Nhân tài và nhân lực chất lượng cao cần được hưởng mức lương cao tương xứng. Đây là giải pháp cần thiết để nhân tài và nhân lực chất lượng cao có thể tận tâm, tận lực cống hiến, cũng là sự đánh giá đúng của Nhà nước, doanh nghiệp về giá trị sức lao động của họ. Cần có chế độ tôn vinh nhân tài và nhân lực chất lượng cao một cách thiết thực.

Ngoài ra, đổi mới toàn diện thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế, thể chế lao động để nhân tài và nhân lực chất lượng cao có môi trường làm việc, cống hiến và sáng tạo tốt nhất. Hơn nữa, cần có thể chế, cơ chế dùng người phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân tài liên quan đến các điều kiện về pháp lý, thị trường lao động nhằm khơi dậy tài năng và sức cống hiến. Loại bỏ mọi tư duy giáo điều, sách vở, mọi rào cản làm thui chột tài năng và làm lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao. Có biện pháp chọn lựa, thi tuyển công khai, công bằng để nhân tài có cơ hội thăng tiến, phát triển. Có biện pháp khen thưởng đối với các cơ quan, đơn vị phát huy năng lực cống hiến của nhân tài, đem lại hiệu quả cao. Có hình thức kỷ luật thích đáng đối với các lãnh đạo đố kỵ, kìm hãm nhân tài.

Tạo ra nguồn nhân lực có trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp và sức khỏe tốt là vấn đề quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phân bổ và sử dụng nhân lực một cách hợp lý, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung phát triển mạnh mẽ thị trường lao động phù hợp với thông lệ quốc tế để tạo ra sự phân bổ hợp lý nguồn nhân lực chất lượng cao trong nền kinh tế.

Đẩy mạnh công tác chăm lo sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo an sinh xã hội và mở rộng dân chủ cơ sở nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao phát triển đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Một cơ thể khỏe mạnh mới tạo nên trí tuệ mẫn tiệp, thông minh và tinh thần làm việc hăng say.

Nhà nước cần có quyết sách rõ ràng và quyết liệt trong việc bồi dưỡng, phát triển nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là con đường đúng đắn, là yêu cầu cấp bách để đưa đất nước phát triển phồn vinh và hạnh phúc.