Phe Dân chủ loay hoay tìm đường hợp tác với Trump

Các nghị sĩ Dân chủ tại quốc hội Mỹ đang có xu hướng ủng hộ những đề xuất của tổng thống đắc cử Donald Trump vốn đặt ông vào thế bất đồng với đảng Cộng hòa.
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer được bầu làm lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại thượng viện hôm 16/11. Ảnh: Reuters
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer được bầu làm lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại thượng viện hôm 16/11. Ảnh: Reuters

Các nghị sĩ đảng Dân chủ đang nghiên cứu những phương án để có thể làm việc với Donald Trump về một loạt vấn đề như chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, tín thuế trẻ em (khoản thuế được khấu trừ cho người nộp thuế thu nhập nếu họ có con cái còn phụ thuộc), nghỉ thai sản hưởng lương và hủy bỏ các thỏa thuận thương mại, theo New York Times.

Thượng nghị sĩ Chuck Schumer đến từ bang New York hôm 16/1 được bầu làm lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại thượng viện. Ông Schumer đã vài lần trao đổi với tổng thống đắc cử Trump và trong những tuần sắp tới, phe Dân chủ sẽ thông báo các sáng kiến đạo đức và kinh tế theo chủ nghĩa dân túy mà họ tin ông Trump có khả năng ủng hộ.

Giành lại cử tri

Phe Dân chủ vừa đánh rơi chiếc ghế tổng thống và chỉ giành những thắng lợi danh nghĩa ở hạ viện và thượng viện (tăng thêm số ghế nhưng đảng Cộng hòa vẫn giữ quyền kiểm soát lưỡng viện).

Giờ đây, họ đang đối mặt với một quyết định lớn sau thất bại bất ngờ vừa qua: tìm những điểm chung giữa họ với ông Trump nhằm giành lại ủng hộ từ những cử tri thuộc tầng lớp lao động chân tay da trắng với mục tiêu tập hợp một liên minh cử tri nhiều thành phần. Họ hy vọng nỗi bất mãn của những người này trước một tân tổng thống làm việc không hiệu quả sẽ đem lại lợi thế cho phe Dân chủ trong các cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào năm 2018.

Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump đã cam kết một số vấn đề mà phe Dân chủ ủng hộ song đảng Cộng hòa chống đối, ví dụ như mở rộng chi tiêu xây dựng hạ tầng giao thông, phạt các công ty Mỹ chuyển việc làm ra nước ngoài, chấm dứt những khoản miễn giảm thuế lớn đối với các quỹ đầu tư phòng hộ, các công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân lớn và bắt buộc các công ty phải cho lao động nữ nghỉ thai sản nhưng vẫn hưởng lương.

Tuy nhiên, chắc chắn vẫn có những bất đồng rõ rệt nảy sinh giữa phe Dân chủ và Trump, chuyên gia nhận định. Phe Dân chủ công khai chỉ trích việc ông Trump bổ nhiệm chủ tịch trang tin Breitbart Stephen K. Bannon làm chiến lược gia trưởng. Họ cũng được cho là sẽ phản đối các cam kết của Trump về việc giảm thuế cho người giàu và trục xuất hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp.

Điều chưa rõ ràng hiện nay là liệu Trump sẽ bám chặt vào chương trình nghị sự ông đã tuyên bố hay giao phó nó cho các nghị sĩ đảng Cộng hòa, những người đang theo đuổi một chương trình bảo thủ mang tính truyền thống hơn.

Tại kỳ bầu cử vừa qua, ở một số bang quan trọng như Pennsylvania, Ohio và Wisconsin, các ứng viên thượng nghị sĩ đảng Dân chủ và ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton không thể kết nối với cử tri tầng lớp trung lưu, những người bị thu hút bởi những lời kêu gọi dân túy của tỷ phú Trump.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Amy Klobuchar đến từ bang Minnesota cho rằng sẽ là rất thiển cận nếu đổ lỗi thất bại cho lá thư mà Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) gửi tới quốc hội, thông báo xem xét các manh mối mới về vụ bê bối sử dụng máy chủ cá nhân cho việc công của bà Clinton khi còn làm ngoại trưởng.

Nội bộ đảng Dân chủ chia rẽ

Stephen K. Bannon, người vừa được ông Trump bổ nhiệm làm chiến lược gia trưởng, bị phe Dân chủ công khai phản đối. Ảnh: Reuters

Giới quan sát nhận định sự kèn cựa giữa các phe cánh bên trong đảng Dân chủ thể hiện rõ qua việc ông Schumer chọn lựa một ban lãnh đạo tạm thời của đảng này với những gương mặt thường xảy ra xung đột, như Bernie Sanders ở bang Vermont và thượng nghị sĩ Elizabeth Warren ở bang Massachusetts, những người nổi tiếng thuộc phe cấp tiến, cho đến thượng nghị sĩ Joe Manchin III từ bang West Virginia, một trong 6 nghị sĩ Dân chủ ôn hòa sẽ tái tranh cử vào 2018.

"Ban lãnh đạo này có lý tưởng đa đạng, đến từ những nơi khác nhau và kết hợp giữa hiểu biết nhờ kinh nghiệm với nhiệt huyết sức trẻ", Schumer nói.

Tuy nhiên, thách thức trước mắt mà Schumer phải xử lý là đáp ứng các yêu cầu cấp bách nhưng thường đối lập nhau của những thượng nghị sĩ này. Họ đại diện cho một cuộc đấu tranh lớn hơn bên trong đảng Dân chủ giữa hai lập trường: một bên muốn tự điều chỉnh để thu hút trở lại các cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động đã quay sang ủng hộ Trump và bên còn lại muốn gia tăng liên minh, ở đó các cử tri trẻ và cử tri thuộc những nhóm cộng đồng thiểu số đóng vai trò trụ cột.

Cuộc đấu tranh này cũng đang diễn ra ở hạ viện, nơi các nghị sĩ đảng Dân chủ tiếp tục rơi vào thế giằng co trong cuộc tranh cãi nội bộ về việc lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ Nancy Pelosi ở bang California, người xuất thân từ một trong những khu vực cử tri giàu sang và mang tư tưởng tự do nhất nước Mỹ, có nên nhường chỗ cho một lãnh đạo mới đến từ một bang thuộc Vành đai Rỉ sét, nơi nền kinh tế chủ yếu dựa vào công nghiệp, hay không.

Hạ nghị sĩ Dân chủ Tim Ryan, cựu cầu thủ bóng bầu dục đến từ khu vực công nghiệp gặp khó khăn quanh thành phố Youngstown, bang Ohio, đang thách thức vị trí của Pelosi.

"Đảng Dân chủ cần tôi, người có các cử tri và bạn bè là công nhân ngành thép hoặc đang làm việc trong ngành xây dựng", Ryan nói. Ông nhấn mạnh vấn đề kinh tế và các công việc lao động chân tay phải đóng vai trò quan trọng đối với đảng Dân chủ.

Liên minh chiến thắng trong cuộc đấu tranh này sẽ chốt lại những chính sách đối chọi nhau mà phe Dân chủ đề xuất.

Trong một bài phát biểu hồi tuần trước, thượng nghị sĩ Warren, người từng tranh cãi quyết liệt với ông Trump suốt quá trình nhà tài phiệt New York vận động tranh cử, lưu ý bà tán thành tổng thống đắc cử Mỹ trên nhiều phương diện.

"Ông ấy nói về nhu cầu cải cách các thỏa thuận thương mại của chúng ta để chúng không phải là những thỏa thuận sơ sài đối với người dân Mỹ. Ông ấy nói sẽ không cắt phúc lợi an sinh xã hội. Ông ấy nói về nhu cầu giải quyết vấn đề chi phí đại học đang tăng và về việc hỗ trợ những bậc cha mẹ đang chật vật với gánh nặng chi phí chăm sóc con cái", bà Warren nói. "Ông ấy đề cập đến sự cấp thiết phải tái xây dựng cơ sở hạ tầng đang suy yếu của chúng ta và đưa việc làm trở lại cho người dân. Ông ấy cũng nói về cảm giác thực sự của hàng triệu người Mỹ rằng chính phủ và nền kinh tế đã bỏ rơi họ. Ông ấy còn cam kết tái thiết lập nền kinh tế cho người dân lao động".

Thượng nghi sĩ đảng Dân chủ Sherrod Brown ở bang Ohio, người lâu nay chỉ trích các thỏa thuận thương mại Mỹ ký kết với các nước, cho biết ông đã trao đổi với cố vấn thương mại của tỷ phú Trump và sẽ làm việc với tổng thống đắc cử Mỹ về những vấn đề liên quan đến công nhân ngành thép. "Chúng ta có thể làm việc với ông Trump về các vấn đề mà ta nhất trí", Brown nói.

Brown đã gửi thư cho ông Trump kêu gọi tái thương lượng Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), thay đổi mối quan hệ thương mại với Trung Quốc và chống thao túng tiền tệ, một vấn đề mà lãnh đạo phe thiểu số tại thượng viện Schumer rất quan tâm.

Thượng nghị sĩ Sanders cũng đưa ra tuyên bố sau cuộc bầu cử cho hay ông sẽ hợp tác với tỷ phú Trump trên một số lĩnh vực đồng thuận mang tính dân túy.

Song phe Dân chủ vẫn giữ lập trường đối lập với ông Trump trước một số vấn đề. Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein đến từ bang California, hiện là thành viên cao cấp nhất của đảng Dân chủ ở Ủy ban Tư pháp Thượng viện, hôm 16/11 tuyên bố "Ủy ban Tư pháp Thượng viện sẽ chú ý kỹ đến những ứng viên mà ông Trump đề xuất bổ nhiệm để bảo đảm các quyền hiếp pháp cơ bản của người dân Mỹ được bảo vệ".

Tin cùng chuyên mục