Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Doanh nghiệp công nghệ phấn khởi
Quan điểm của Đề án là ủng hộ và thích ứng với xu thế mới của mô hình KTCS trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số trên thế giới; không cần thiết phải có các chính sách riêng biệt cho hình thức kinh doanh theo mô hình KTCS do KTCS không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, quản lý nhà nước cần đảm bảo cho các hoạt động kinh tế hợp pháp được phát triển, trong đó có các hoạt động KTCS; thay đổi tư duy, cách thức quản lý nhà nước cho phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế số và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0); đồng thời nâng cao nhận thức, năng lực của DN, địa phương, người dân về mô hình KTCS.
Ông Nguyễn Mạnh Hải - đại diện từ Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên xây dựng Đề án - cho biết, theo Đề án, tất cả các lĩnh vực dịch vụ đều có thể thử nghiệm chính sách mới (dạng sandbox) cho việc thực hiện triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình KTCS.
Trên phương diện của một người làm khởi nghiệp về công nghệ trong kinh doanh căn hộ dịch vụ homestay, ông Phạm Kim Cương, chuyên gia công nghệ chia sẻ: “Đây là quyết định tuyệt vời, bởi cuối cùng thì những gì mình làm sẽ không bị coi là trái phép nữa. Trước đây, cộng đồng chúng tôi luôn canh cánh trong lòng là mình đang vi phạm những luật gì thì nay đã được tháo gỡ”. Và với chuyển động này, ông Cương cho rằng Việt Nam sẽ thu hút được những nhân tài về công nghệ và xây dựng công ty công nghệ ở Việt Nam.
Đại diện một tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, bà Nguyễn Thy Nga, Giám đốc V-startup cho biết: “Đây là một trong những quyết định cập nhật xu hướng mới của thế giới, hỗ trợ nhiều cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Chính phủ thông qua Đề án này giúp cộng đồng DN có môi trường để khởi nghiệp sáng tạo thay vì phải ra nước ngoài như vừa qua”.
Trả lời báo chí, đại diện Tập đoàn Novaon; FastGo… cũng đánh giá cao việc phê duyệt Đề án.
Thúc đẩy theo hướng nào?
Để chuyển biến nhanh từ Đề án đến thực tế, Đề án nêu rõ nhiệm vụ của từng bộ, ngành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối điều phối, theo dõi và phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc sửa đổi, hoàn thiện, bổ sung hệ thống pháp luật và chính sách hiện hành cho phù hợp với yêu cầu quản lý của KTCS; phối hợp rà soát các điều kiện kinh doanh theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện để các loại hình kinh doanh truyền thống và KTCS hoạt động bình đẳng….
Bộ Tài chính triển khai ứng dụng công nghệ mới của CMCN 4.0 trong lĩnh vực thuế; ban hành và hướng dẫn thực hiện chính sách thuế và quản lý thuế phù hợp với KTCS…
Bộ Giao thông vận tải rà soát, bãi bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh không phù hợp đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải truyền thống, đồng thời bổ sung một số điều kiện cần thiết đối với các loại hình KTCS; hướng dẫn triển khai các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh bằng xe ô tô…
Nhìn ở góc độ DN kinh doanh công nghệ, ông Phạm Kim Cương cho rằng, bên cạnh việc giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành theo Đề án, cần một tinh thần "quốc gia khởi nghiệp" để biến ý tưởng thành hiện thực quyết liệt hơn.
“Nên chăng có một "uỷ ban" cấp nhà nước để thực hiện chiến lược này của Chính phủ? Uỷ ban này có thể được hình thành gồm đại diện từ các bộ, ngành và được giao quyền hạn cũng như trách nhiệm đủ mạnh để tạo ra ảnh hưởng tích cực đến tận từng người dân, từng hộ kinh doanh cá thể, từng nhân viên của các DN tham gia nền KTCS”, ông Cương đề xuất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hải nhấn mạnh, việc cần thiết để thúc đẩy KTCS chính là phải tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, những điều kiện kinh doanh cản trở sự phát triển của DN cần được cắt giảm thực chất. “Nếu làm được điều này, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng trong tương lai gần, Việt Nam sẽ có những DN triệu USD trong lĩnh vực này”, bà Thy Nga bày tỏ.