Phí cảng biển đè nặng DN xuất nhập khẩu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề lên hoạt động sản xuất, kinh doanh, mới đây, đề nghị giảm phí lưu container, lưu kho, lưu bãi chung tay hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt đại dịch Covid-19 đã được đưa ra. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu đề nghị này được thực thi thì sẽ hỗ trợ kịp thời, giảm gánh nặng chi phí cho DN.
Việc giảm phí lưu container, kho bãi sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh. Ảnh: Lê Tiên
Việc giảm phí lưu container, kho bãi sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh. Ảnh: Lê Tiên

Bộ Công Thương cho biết, hiện 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg. Trong đó, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An là những địa phương có sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn. Việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và phòng, chống dịch bệnh đã khiến một số DN phải tạm thời cắt giảm quy mô sản xuất, dẫn đến ùn ứ container nhập khẩu, thời gian lưu kho, lưu bãi tăng lên và làm tăng chi phí của DN.

Vì thế, trong văn bản gửi Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam; Hiệp hội Cảng biển Việt Nam; các đơn vị quản lý, khai thác cảng biển cũng như các DN vận tải biển (hãng tàu) cùng các trung tâm logistics, Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị này xem xét giảm phí lưu container, lưu kho, lưu bãi, chung tay hỗ trợ DN vượt đại dịch Covid-19.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty CP May 10 cho biết, chi phí logicstics ở Việt Nam tương đối cao so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Đặc biệt, do tác động của đại dịch, chi phí logistics thực sự trở thành gánh nặng cho DN có hoạt động xuất nhập khẩu. “Đề nghị của Bộ Công Thương về việc giảm phí lưu container, lưu kho, lưu bãi cho DN là rất hợp lý, kịp thời trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, đề nghị được thực thi sẽ làm giảm gánh nặng về chi phí, góp phần hỗ trợ DN tạo ra sản phẩm có giá thành cạnh tranh hơn”, ông Việt nói.

Đồng tình với quan điểm của đại diện Tổng công ty CP May 10, ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam cũng cho rằng: “Nếu đề nghị giảm phí lưu container, lưu kho, lưu bãi được thực thi thì quá tốt cho các DN”.

Theo ông Thông, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn thì tiết giảm bất cứ một chi phí nào cũng là hỗ trợ rất tốt cho DN. Tuy nhiên, để sớm tháo gỡ các khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội gây nên với hoạt động kinh tế, nhất là với các DN trong nước thì đòi hỏi tốc độ ban hành chính sách hỗ trợ DN phải nhanh hơn nữa. Cùng với đó, để việc hỗ trợ DN thiết thực, Chính phủ cần thực hiện ngay những giải pháp trong tầm tay như giảm thuế, giảm phí hạ tầng…

Liên quan đến vấn đề này, trong các văn bản góp ý gửi Chính phủ nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều hiệp hội DN kiến nghị Chính phủ cấp bách giảm chi phí hỗ trợ DN. Trong đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam tiếp tục kiến nghị TP. Hải Phòng dừng thu phí cảng biển đến 31/12/2021 và nghiên cứu giảm 50% cho năm 2022; TP.HCM hoãn áp dụng thu phí cảng biển cho đến 30/6/2022. Lý giải về đề xuất này, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, các DN dệt may đang gặp rất nhiều khó khăn, trong khi Hải Phòng đã thu phí từ 1/1/2017 đến nay với số tiền rất lớn (Luật Phí và lệ phí quy định chỉ thu để “cơ bản bù đắp chi phí đã đầu tư”); còn TP.HCM là trung tâm vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của các tỉnh, thành phía Nam, nhưng hầu hết các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 do dịch bệnh bùng phát.

Để tháo gỡ khó khăn cho DN, tại Dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các DN vận tải biển niêm yết công khai, minh bạch giá cước; tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với các DN vận tải biển, chống tình trạng lợi dụng tình hình đại dịch để tăng giá cước vận tải bất hợp lý, tăng gánh nặng chi phí cho DN. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị có liên quan nâng cao năng lực đàm phán, công khai minh bạch về giá cước và phụ thu ngoài giá cước dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển…

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục