Công nghiệp bán dẫn trước cơ hội lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đang có dư địa phát triển lớn khi liên tục được nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới quan tâm khảo sát đầu tư và gia tăng vốn đầu tư. Để không lỡ nhịp trong “cuộc đua” thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, hàm lượng chất xám lớn và siêu lợi nhuận này, cần tăng tốc chuẩn bị “hậu cần” và củng cố lợi thế cạnh tranh.
Phó Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA Keith Strier thăm Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Ảnh: Trương Gia
Phó Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA Keith Strier thăm Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Ảnh: Trương Gia

Những chuyến thăm mang nhiều kỳ vọng

Tháng 9/2023, chuyến thăm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Hoa Kỳ kết hợp làm việc với một số tập đoàn công nghệ tại thung lũng Silicon (California) gồm Nvidia, Meta và Synopsys đã đem lại những cơ hội rộng mở về thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp bán dẫn cho Việt Nam. Từ chuyến công tác này, tháng 12/2023, nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ bán dẫn đã lần lượt đến Việt Nam tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, tìm hiểu cơ hội, tiềm năng, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, công tác chuẩn bị nhân lực và hạ tầng kết hợp tham quan trực tiếp các địa phương, tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Khởi đầu là ngày 7/12/2023, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) do ông John Neuffer (Chủ tịch Hiệp hội) làm Trưởng đoàn cùng đại diện lãnh đạo cấp cao các tập đoàn công nghiệp bán dẫn lừng danh như Intel, Ampere, ARM, Qualcomm, Marvell, Synopsys, Infineon thăm và làm việc tại Việt Nam. Tại Tọa đàm về sự sẵn sàng cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức, nhiều cơ hội đã được hé lộ. Ông John Neuffer chia sẻ, ông nhận thấy những cơ hội tuyệt vời tại Việt Nam và Việt Nam chắc chắn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của thế giới. Đại diện các doanh nghiệp thuộc SIA đã cụ thể hoá bằng những kế hoạch đầu tư mới và dự định phát triển tại Việt Nam bằng các chương trình đào tạo, hợp tác đào tạo kỹ sư và triển khai kết cấu hạ tầng ngành công nghiệp bán dẫn. Tranh thủ sự kiện này, các địa phương đã tiếp cận và “tiếp thị” trực tiếp về tiềm năng, khả năng đáp ứng điều kiện về hạ tầng cho doanh nghiệp bán dẫn.

Tiếp theo chuyến thăm và làm việc của SIA, tháng 12/2023, tại Tọa đàm “Xu hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và cơ hội cho Việt Nam” do Bộ KH&ĐT chủ trì, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Tập đoàn NVIDIA (Hoa Kỳ) đồng tổ chức tại cơ sở của NIC tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Chủ tịch NVIDIA Jensen Huang trực tiếp tham dự. Đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam, ông Jensen Huang mong muốn Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất và đổi mới AI lớn của NVIDIA và NVIDIA sẽ thành lập pháp nhân tại Việt Nam. Hiện thực hóa điều này, ngày 22/4/2024, Phó Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA Keith Strier đến thăm Việt Nam và làm việc với lãnh đạo Bộ KH&ĐT, đồng thời, tới thăm NIC Hòa Lạc để lập kế hoạch cho những bước phát triển mới.

Chuẩn bị nhân lực, hạ tầng và hoàn thiện cơ chế

Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, Việt Nam cần ít nhất 50.000 kỹ sư vào năm 2030 (gấp 10 lần con số hiện nay) để có chỗ đứng trên bản đồ bán dẫn thế giới. Trong diễn biến mới nhất, Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư đến năm 2030, nhằm hiện thực hóa một kỳ vọng lớn.

Song song với nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, trong năm học 2023 - 2024, ba trung tâm đào tạo lớn là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng và Đại học Quốc gia TP.HCM đã nhạy bén mở thêm các ngành đào tạo lĩnh vực bán dẫn.

Theo thông báo từ Đại học Quốc gia TP.HCM, cơ sở này hiện đào tạo khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công nghiệp bán dẫn. Dự kiến đến năm 2030 sẽ đào tạo 1.500 kỹ sư và 500 thạc sĩ thiết kế vi mạch; tất cả các trường trong hệ thống Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ xây dựng chương trình đào tạo hiện đại, cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư.

Tại Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (thuộc Đại học Đà Nẵng) cũng gia tăng lượng sinh viên ngành này với 200 chỉ tiêu được tuyển mới. Đến cuối tháng 4/2024, phòng thực hành thứ 2 cho sinh viên điện tử, vi mạch tại Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn do Tập đoàn Đầu tư công nghệ Nam Long đầu tư 25 tỷ đồng đã hoàn thành, hỗ trợ việc nghiên cứu công nghệ mới thuộc các lĩnh vực thiết kế vi mạch, IoT, GIS, Cloud, Robotics và 5G.

Hà Nội được đánh giá là khu vực sôi động nhất về đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Tại Đại học Bách khoa Hà Nội hiện có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn với tổng số hơn 3.300 sinh viên. Bên cạnh Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện mỗi năm Đại học Quốc gia Hà Nội đào tạo 1.500 sinh viên có liên quan đến thiết kế vi mạch, công nghiệp bán dẫn và dự kiến sẽ tăng số lượng đào tạo lên gấp đôi.

Ngoài hệ thống đào tạo công lập, Trường Đại học FPT cùng Công ty CP Bán dẫn FPT đã thành lập Khoa Vi mạch bán dẫn nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt tại Việt Nam. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT từng cho biết, FPT - với nguồn lực sẵn có về hệ thống công ty thuộc Tập đoàn trải rộng trên 30 quốc gia - sẽ xây dựng mô hình đưa sinh viên tốt nghiệp Khoa Vi mạch và bán dẫn ra nước ngoài làm việc tại các công ty và thị trường hàng đầu về bán dẫn trên toàn cầu.

Hạ tầng kĩ thuật thu hút đầu tư cũng đang được chuẩn bị và định hình ở 3 khu vực Bắc - Trung - Nam. Ở phía Bắc là NIC, Khu công nghệ cao Hòa Lạc; phía Nam là Khu công nghệ cao tại TP.HCM và miền Trung là Khu công nghệ cao, Công viên phần mềm số 2 tại Đà Nẵng. Đây là các trung tâm được giao nhiệm vụ quy tụ, dẫn dắt và kết nối, từng bước hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, là cầu nối quan trọng hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.

Cùng với chuẩn bị nhân lực, hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư. Theo đó, Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã bổ sung các ưu đãi đặc biệt cho các dự án công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, trong đó bao gồm các dự án sản xuất bán dẫn. Bộ Thông tin và Truyền thông chuẩn bị trình Chính phủ Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Bộ KH&ĐT đang xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Theo Dự thảo Nghị định, doanh nghiệp công nghệ cao, có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao đáp ứng tiêu chí về vốn đầu tư và doanh thu là một trong những đối tượng được hưởng hỗ trợ đầu tư.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, Chính phủ Việt Nam quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành này. “Điều này minh chứng cho thấy sự thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam cho các nhà đầu tư ngành bán dẫn”, ông nói.

Tin cùng chuyên mục