Ngành giao thông trước bài toán “giữ chân” nguồn nhân lực tốt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đầu tư hạ tầng giao thông đang diễn ra mạnh mẽ đòi hỏi nguồn nhân lực lớn tham gia vào quá trình xây dựng và vận hành những công trình giao thông tầm cỡ quốc gia. Tuy nhiên, đơn giá, định mức chi trả cho nhân công lạc hậu khiến ngành giao thông khó “giữ chân” người tài, càng khó hơn trong việc thu hút nguồn nhân lực có chất lượng tham gia đào tạo bổ sung “nguồn cung” trong tương lai.
Đội ngũ nhân lực chất lượng cao là tài sản cốt lõi làm nên thương hiệu của những nhà thầu lớn. Ảnh: Trần Chiến
Đội ngũ nhân lực chất lượng cao là tài sản cốt lõi làm nên thương hiệu của những nhà thầu lớn. Ảnh: Trần Chiến

Theo ông Nguyễn Xuân Cường - Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), nguồn nhân lực của ngành giao thông hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng và chất lượng. Trong bối cảnh cả nước dành nhiều nguồn lực đầu tư để đạt mục tiêu đến năm 2025 có 3.000 km đường cao tốc, tới năm 2030 có khoảng 5.000 km và tầm nhìn đến năm 2050 đạt khoảng 10.000 km đường cao tốc; giai đoạn 2025 - 2030 dự kiến đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao và hệ thống tàu điện ngầm, thời gian tới cần nguồn nhân lực rất lớn “đầu quân” cho ngành giao thông vận tải.

PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho biết, việc tuyển chọn nhân sự của các doanh nghiệp ngành giao thông đang gặp khó khăn. Một số nhân sự, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao đang làm trong ngành chuyển sang lĩnh vực khác trái ngành. Sự hấp dẫn nghề nghiệp suy giảm thể hiện ở số lượng và chất lượng ứng viên đầu vào của các trường đại học hệ kỹ thuật… Chất lượng nguồn nhân lực đang là nỗi lo của ngành giao thông.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện nhiều nhà thầu cho biết, do mức lương chi trả cho kỹ sư giàu kinh nghiệm, công nhân lành nghề không hấp dẫn nên mỗi khi phải tăng ca, tăng kíp để đẩy nhanh tiến độ thi công, việc tìm kiếm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, có tay nghề hết sức khó khăn. Hệ số chi trả theo đơn giá, định mức đối với nhân công, kỹ sư có kinh nghiệm (nhân sự chủ chốt) rất thấp, lạc hậu so với thực tế nên nhà thầu thường xuyên phải “giật gấu vá vai”, bù lỗ lớn để “giữ chân” cán bộ chủ chốt, cốt cán, nếu không bộ máy hoạt động của nhà thầu sẽ tan rã.

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Ngọ Trường Nam - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ, nhận thức rõ con người là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp, Tập đoàn Đèo Cả luôn dành tối đa các nguồn lực để đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, từ điều kiện làm việc đến chế độ tiền lương, chính sách phúc lợi toàn diện… Việc đào tạo nhân lực là một trong những chiến lược mang ý nghĩa quan trọng bởi Tập đoàn Đèo Cả xác định con người và văn hoá là những thứ không thể vay mượn, mà doanh nghiệp phải tự xây dựng và phát triển. Trong bối cảnh đơn giá, định mức chi trả cho người lao động không được tính đúng, tính đủ như hiện nay, Tập đoàn Đèo Cả vẫn thường xuyên dành nguồn lực lớn “bù lỗ” để có mức chi trả hợp lý cho người lao động, nhất là lao động lành nghề, lao động có chuyên môn cao. Trong điều kiện khó khăn, Tập đoàn luôn duy trì văn hoá “không bao giờ nợ” hay “chậm lương” của người lao động.

Ông Hồ Tuấn Nhân - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 cho biết, thách thức lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp ngành xây dựng là “giữ chân” nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh thường xuyên thua lỗ, nợ đọng. Con người là tài sản cốt lõi của doanh nghiệp, không phải cứ có tiền là thu hút được. Nếu không duy trì được đội ngũ nhân lực chất lượng cao thì sớm muộn, bộ máy hoạt động của nhà thầu sẽ đi vào ngõ cụt vì mất đi “lõi” giá trị. Chính vì thế, nhiều khi nhà thầu phải chấp nhận nghịch lý trúng thầu thì lỗ nhưng vẫn phải làm vì cần nguồn công việc cho bộ máy hoạt động, có tiền để trả lương cho người lao động. Về lâu dài, những doanh nghiệp lớn và có tầm nhìn đều phải có định hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ thi công và vận hành những công trình có công nghệ hiện đại, tiên tiến và phức tạp như đường sắt tốc độ cao, metro… Và một trong những con đường ngắn là nhà thầu Việt, doanh nghiệp Việt phải tham gia làm thầu phụ tối đa cho nhà thầu nước ngoài ở những công trình lớn nhằm học hỏi về công nghệ, cách thức quản lý và vận hành, từ đó làm chủ quá trình thi công những công trình tầm cỡ quốc tế trong tương lai gần.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, đội ngũ nhân lực chất lượng cao là tài sản cốt lõi làm nên thương hiệu của những nhà thầu lớn. Muốn làm chủ thi công các công trình tầm cỡ để khẳng định uy tín, nhà thầu bắt buộc phải đầu tư và sở hữu nguồn nhân lực hùng mạnh, có trình độ chuyên môn cao. Điều này đòi hỏi nhà thầu phải có chiến lược bài bản trong đào tạo nguồn nhân lực tương lai, đồng thời phải có chế độ lương thưởng đủ sức hấp dẫn, cạnh tranh được với thị trường để “giữ chân” người tài. Hiện nay, tình trạng “chảy máu chất xám” do bất cập về lương, chế độ chi trả cho người lao động không tương xứng là nỗi đau của các nhà thầu xây lắp, khiến cho tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng của ngành giao thông ngày càng trầm trọng. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ không có nguồn nhân lực tốt tham gia vào quá trình xây dựng hệ thống hạ tầng của đất nước và trình độ của nhà thầu Việt sẽ không tiếp tục được nâng tầm.

Trước “bài toán” về khan hiếm, thiếu hụt nguồn nhân lực do đơn giá, định mức thấp, lạc hậu với thị trường, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam vừa kiến nghị Chính phủ, Quốc hội có cơ chế điều chỉnh phương thức thanh toán cho nhà thầu hợp lý theo hướng có thể đấu thầu theo suất đầu tư tổng hợp để nhà thầu nghiên cứu, tự cân đối việc chi trả các phần công việc trong đó, đảm bảo có đủ chi phí để trả lương theo thị trường cho nhân sự có trình độ, chất lượng cao; có hệ số khuyến khích nhà thầu áp dụng khoa học công nghệ hiện đại; đồng thời Nhà nước nên có cơ chế thay đổi phương thức quản lý nhiều bất cập như hiện nay khiến nhà thầu phải “giật gấu vá vai” hoặc càng làm càng lỗ, càng cạn kiệt về tài chính thì không còn nguồn lực để tái đầu tư cho nhân lực có trình độ, đầu tư máy móc tiên tiến, hiện đại.

Theo lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, với định hướng chiến lược đầu tư và triển khai các công trình lớn cả về đường bộ và đường sắt, Tập đoàn luôn chú trọng đào tạo và sử dụng người tài. “Chúng tôi xác định, muốn vươn tầm quốc tế thì đội ngũ nhân sự phải có tầm quốc tế. Chính vì thế, thời gian qua, Đèo Cả đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp, trường đào tạo trên thế giới nhằm thu hút các chuyên gia quốc tế giỏi cộng tác với Tập đoàn ở những công trình lớn, qua đó giúp nâng cao trình độ nhân sự của Tập đoàn. Hiện nay, có những nhân sự giỏi, Đèo Cả đang trả lương lên đến 15.000 USD/tháng để cùng đồng hành triển khai các nhiệm vụ hướng đến mục tiêu vươn tầm quốc tế”, ông chia sẻ.

Để chuẩn bị nhân lực sẵn sàng cho công tác vận hành, khai thác các công trình giao thông lớn sau khi hoàn thành, Tập đoàn Đèo Cả đã hợp tác với Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM thành lập Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả (DCI) để đào tạo nhóm kỹ sư, chuyên gia trình độ cao. Bên cạnh đó, Đèo Cả đã thành lập Trung tâm Huấn luyện thực hành tại Đà Nẵng để đào tạo đội ngũ công nhân, thợ thi công các dự án và tham gia quản lý vận hành, bảo trì. Các chương trình huấn luyện thực hành được thiết kế với nhiều mức độ khác nhau, phù hợp với từng cấp bậc và vị trí làm việc. Tại trung tâm này, Đèo Cả sử dụng đội ngũ nhân sự chính là các kỹ sư, chuyên gia của Tập đoàn để đào tạo các thế hệ lao động kế cận đáp ứng nhu cầu thực tiễn của chính Tập đoàn. Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ: “Có thể thu hút và duy trì được nguồn nhân sự chất lượng cao để tiếp cận được công việc ngay chính là yếu tố nền tảng bảo đảm sự thành công của Tập đoàn trong tương lai”.

Tin cùng chuyên mục