Philippines không dễ đoạn tình với vũ khí Mỹ

Philippines phụ thuộc nhiều vào vũ khí Mỹ và sẽ gặp nhiều khó khăn nếu thực hiện lời đe dọa ưu tiên tậu hệ thống của Nga và Trung Quốc.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh:Reuters
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh:Reuters

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 4/10 nói rằng Mỹ không muốn bán tên lửa và các vũ khí khác cho Philippines, trong khi Nga và Trung Quốc mời chào ông rằng họ có thể cung cấp chúng thoải mái. Ông dọa sẽ chuyển sang mua vũ khí của Nga và Trung Quốc.

Mỹ là nước cung cấp vũ khí lớn nhất cho Philippines, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), tổ chức giám sát chi tiêu quân sự trên toàn cầu. Hai nước ngày càng hợp tác quân sự chặt chẽ trong hai năm qua, tổ chức nhiều cuộc tập trận và huấn luyện hơn. Nhiều tàu và máy bay quân sự Mỹ đến Philippines hơn trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Obama điều chuyển các lực lượng quân sự và nỗ lực ngoại giao đến châu Á, để đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Philippines là nước nhận được viện trợ quân sự lớn nhất của Mỹ ở khu vực châu Á Thái Bình Dương theo chương trình Tài trợ Quân sự nước ngoài (FMF) do Mỹ cung cấp nhằm hỗ trợ các nước mua vũ khí và trang thiết bị của Mỹ. Philippines đã nhận được 50 triệu USD từ chương trình FMF trong năm tài chính 2015.

Vì phụ thuộc vào vũ khí Mỹ nên quân đội Philippines sẽ phải điều chỉnh lại cấu trúc chỉ huy và kiểm soát nếu muốn chuyển đổi sang sử dụng các vũ khí của Nga và Trung Quốc, giáo sư Richard Javad Heydarian ở Đại học De La Salle, Manila đồng thời là cựu cố vấn của hạ viện Philippines, nhận định.

"Sẽ có một số vấn đề với cấu hình mới. Phải mất nhiều năm để quân đội Philippines tái định hướng phù hợp với công nghệ mới".

Philippines đã chi 3,9 tỉ USD cho quân đội trong năm 2015, theo số liệu của SIPRI. Chi tiêu quốc phòng của Philippines tăng gần như mỗi năm kể từ năm 2010 - khi ngân sách quốc phòng ở mức 2,4 tỉ USD.

Khó thay thế

Mặc dù Nga có thể chào mời các hệ thống vũ khí chất lượng cao, Philippines sẽ phải cân cân nhắc tính tương thích của chúng với hệ thống vũ khí của Mỹ trong kho của Philippines hiện nay, Lyle Goldstein, một chuyên gia về các vấn đề hàng hải ở Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho biết.

"Bạn không thể đơn giản mua một hệ thống radar từ nước này và một tên lửa từ nước khác. Chúng phải vận hành được với nhau", Goldstein nói.

Ông nhấn mạnh rằng nhiều sĩ quan quân đội Philippines được đào tạo tại Mỹ và điều này khiến văn hóa quân sự giữa hai nước gắn kết chặt chẽ với nhau.

Quan hệ quân sự giữa Mỹ và Philippines không chỉ là những hợp đồng mua bán vũ khí mà còn mở rộng ra các cuộc huấn luyện chung và hỗ trợ bảo dưỡng vũ khí.

Nga và Trung Quốc không có uy tín giống Mỹ trong việc cung cấp hỗ trợ huấn luyện toàn diện, Amy Searight, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Nam Á và Đông Nam Á, cho biết.

"Mỹ có uy tín trong việc hỗ trợ toàn diện để xây dựng năng lực. Đó không chỉ là vũ khí, phương tiện hay thiết bị mà còn là cách sử dụng chúng để xây dựng năng lực thực sự", Searight, hiện làm việc ở Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington, ghi nhận.

Giáo sư Heydarian cho rằng có khả năng cao mục đích của ông Duterte là bắn tín hiệu cho Trung Quốc thấy rằng ông sẵn sàng can thiệp vào mối quan hệ hợp tác quân sự Mỹ - Philippines, cho dù chỉ là những tác động nhỏ. Điều này có thể đồng nghĩa với việc chuyển các cuộc tập trận thường niên Balikatan (Vai kề vai) Mỹ - Philippines đến các vị trí xa Biển Đông hoặc từ chối trao thêm cho quân đội Mỹ quyền tiếp cận căn cứ quân sự của Philippines.

Các chuyên gia khác thì nhấn mạnh thực tế rằng vũ khí Trung Quốc và Nga thường rẻ hơn hệ thống của Mỹ. Ông Duterte có thể đang tỏ ra cứng rắn để mua được thiết bị quân sự Mỹ với giá hời, họ đánh giá. 

Tin cùng chuyên mục