Nhân viên môi giới trong Sở giao dịch chứng khoán New York.Ảnh:Reuters |
Dù đà giảm bị thu hẹp đáng kể trong nửa cuối thời gian giao dịch, chứng khoán Mỹ vẫn kết phiên thứ hai liên tiếp trong sắc xanh. Chốt phiên 25/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 2,39% lên 21.200 điểm. S&P 500 tăng 1,15% lên 2.485 điểm, trong khi Nasdaq Composite giảm 0,45%.
Phiên giao dịch hôm qua đánh dấu lần đầu tiên kể từ ngày 12/2, S&P 500 tăng hai ngày liên tiếp. Mức tăng 14% của Dow Jones trong hai phiên cũng là cao nhất kể từ năm 1987.
Cổ phiếu của Boeing đã tăng 24%, đưa mức tăng trong ba phiên gần nhất lên gần 70%, do nhà đầu tư đặt cược vào sự hỗ trợ của chính phủ cho ngành hàng không. Cổ phiếu American Airlines, United Airlines Holding và Delta Airlines cũng tăng hơn 10%. Hai hãng điều hành du thuyền - Royal Caribbean Cruises và Norwegian Cruise Line Holdings - những công ty chịu tác động nặng nề nhất từ đại dịch, cũng tăng 23%.
Trong khi đó, cổ phiếu Apple đảo chiều vào cuối phiên, đóng cửa giảm 0,55% sau khi Nikkei cho biết công ty có thể hoãn việc ra mắt iPhone với công nghệ 5G.
"Niềm tin vào gói kích thích kinh tế đã giúp thị trường phục hồi", Justin Hoogendoorn - chiến lược gia tại Piper Jaffray cho biết, "Tác động của gói hỗ trợ không chỉ là việc đường phố đông đúc trở lại, mà nó còn là thông điệp rằng mọi thứ vẫn chưa sụp đổ".
Các nghị sĩ và chính quyền Trump đã đạt thoả thuận về gói kích thích kinh tế nhằm giảm bớt tác động của Covid-19. Gói kích thích dự kiến có quy mô khoảng 2.000 tỷ USD, bao gồm 500 tỷ USD giúp các ngành công nghiệp khó khăn và khoản thanh toán trực tiếp lên tới 3.000 USD cho hàng triệu hộ gia đình Mỹ.
Dù các biện pháp cứng rắn liên tục được đưa ra, lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và rủi ro vỡ nợ của nhiều công ty Mỹ vẫn tăng cao. Khi Covid-19 tại Mỹ còn lây lan mạnh, nhiều nhà đầu tư cho rằng đà bán tháo có thể vẫn chưa dừng lại. "Chúng ta vẫn đang trong giai đoạn cần thận trọng", Rob Haworth, chiến lược gia đầu tư cao cấp tại US Bank Management Management cảnh báo.
Dữ liệu mới đây cho thấy khả năng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần này của Mỹ sẽ tăng lên hàng triệu, khi các công ty sa thải nhân viên và dừng hoạt động.