Phóng tên lửa qua Nhật - bước leo thang gây lo ngại của Triều Tiên

Việc Triều Tiên lần đầu phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản sau 8 năm được cho là một bước leo thang căng thẳng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

 Mô phỏng đường bay của tên lửa Triều Tiên. Video: YTN News 24.

Mỹ và Hàn Quốc xác nhận Triều Tiên hôm nay phóng tên lửa đạn đạo từ một khu vực gần Sunan, Bình Nhưỡng, bay qua lãnh thổ Nhật Bản rồi rơi xuống bắc Thái Bình Dương. Theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), tên lửa Triều Tiên đã bay hơn 2.700 km, đạt độ cao tối đa khoảng 550 km, theo Reuters.

Giới chuyên gia nhận định việc Triều Tiên khai hỏa tên lửa từ thủ đô Bình Nhưỡng là điều khá bất thường, cho thấy nước này muốn đa dạng hóa khu vực phóng nhằm tránh bị bên ngoài theo dõi và có thể tấn công phủ đầu.

Đây không phải lần đầu Triều Tiên phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản. Năm 2009, Bình Nhưỡng tuyên bố phóng tên lửa để đưa một vệ tinh viễn thông lên quỹ đạo nhưng Washington, Tokyo và Seoul tin rằng nước này muốn bí mật thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

"Thật sự khác thường", Jeffrey Lewis, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, California, nhận xét. "Triều Tiên từng phóng vệ tinh đi qua lãnh thổ Nhật Bản vào năm 1998 và 2009 nhưng phóng tên lửa là chuyện hoàn toàn khác".

Vụ phóng tên lửa sáng sớm nay của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc và Mỹ đang có cuộc tập trận quy mô thường niên mang tên Người bảo vệ Tự do Ulchi (UFG). Triều Tiên từ lâu cáo buộc đây chính là những động thái tập dượt cho một cuộc chiến tranh hạt nhân chống lại Bình Nhưỡng song Hàn Quốc và Mỹ phủ nhận. Giới quan sát suy đoán Triều Tiên thử tên lửa có lẽ cũng nhằm đáp trả cuộc tập trận Mỹ - Hàn.

"Chúng ta đều lường trước cách phản ứng kiểu như vậy từ phía Triều Tiên trong thời gian cuộc tập trận được tiến hành song hành động này vượt xa giới hạn một động thái phản ứng thông thường", Washington Post dẫn lời ông Daryl Kimball, giám đốc Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí Mỹ, đánh giá.

Gây lo ngại

Một số nhà phân tích cho rằng hành động mới nhất của Triều Tiên là một bước leo thang đáng lo ngại.

"Đây là cách thử nghiệm tên lửa vô cùng nguy hiểm", Abraham Denmark, giám đốc chương trình châu Á thuộc Trung tâm Wilson, cựu quan chức hàng đầu về Đông Á tại Lầu Năm Góc, bình luận.

Trong các vụ phóng thử gần đây, Bình Nhưỡng luôn cẩn thận tính toán để tên lửa rơi xuống khu vực biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, thay vì bay qua Nhật Bản.

"Tên lửa Triều Tiên thường có xu hướng bị vỡ khi bay. Nếu điều này xảy ra và mảnh vỡ rơi xuống Nhật Bản, thậm chí dù đấy không phải mục đích của Triều Tiên, nó vẫn bị coi là hành động tấn công nhằm vào Nhật Bản", ông Denmark nói.

Theo Peter Landers, phóng viên thường trú của Wall Street Journal tại Tokyo, vụ phóng tên lửa hôm nay tiếp tục khiến tâm lý lo âu bao trùm khắp đất nước Nhật Bản.

"Người dân ở mức độ nào đó đã quen với các vụ phóng tên lửa khá thường xuyên", Landers cho biết. "Tâm lý không phải lo lắng cực độ nhưng nó gây ám ảnh tâm trí và nhiều người lo ngại trong dài hạn, Triều Tiên sẽ tăng cường đe dọa, có thể là bằng một vụ phóng tên lửa vào lãnh thổ Nhật Bản".

David Schmerler, chuyên gia tại Trung tâm James Martin về Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhận định nếu vụ phóng lần này là một cuộc thử nghiệm hệ thống tên lửa tầm xa thất bại, Triều Tiên chắc chắn sẽ nhanh chóng thử lại.

"Nếu đó là Hwasong-12, Triều Tiên có thể sẽ cố gắng tiến hành một cuộc thử nghiệm toàn diện hơn để chứng minh rằng họ đủ khả năng bắn tới Guam", Schmerler nói với ABC News.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi đầu tháng tuyên bố Bình Nhưỡng đã chuẩn bị kế hoạch bắn tên lửa tới đảo Guam của Mỹ, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa trút "lửa giận" lên Triều Tiên vì chương trình hạt nhân và tên lửa.

Theo Schmerler, việc Triều Tiên phóng tên lửa từ Soonan, gần với Bình Nhưỡng, dường như nhằm thông báo rằng họ giờ đây có thể khai hỏa từ bất cứ đâu nếu sử dụng các bệ phóng di động.

Trước những hành vi gây hấn ngày càng gia tăng từ Bình Nhưỡng, Kimball cho rằng đối thoại vẫn là cách tốt nhất để xử lý khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

"Mỹ và Nhật Bản có rất ít lựa chọn phản ứng trước những vụ thử tên lửa đạn đạo kiểu này ngoài việc đàm phán thuyết phục Triều Tiên hạn chế phóng tên lửa, đổi lại họ phải thay đổi các cuộc tập trận trong tương lai", ông Kimball nhấn mạnh. "Đây là lý do vì sao Triều Tiên thực sự là vấn đề. Không có lựa chọn nào tốt".

Tin cùng chuyên mục