Sự phát triển của Phú Quốc sẽ trở thành điểm nhấn về kinh tế - xã hội, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước phát triển. Ảnh: Lâm Thanh Sơn |
Tiềm năng của Phú Quốc rất lớn, nhưng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, chính sách tại nhiều đặc khu trong khu vực vô cùng hấp dẫn, để níu giữ được nhà đầu tư nước ngoài ở lại với “đảo ngọc”, những chính sách ưu đãi hiện hành chắc chắn là không đủ. Cần thiết phải có những cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội để Phú Quốc phát triển hết tiềm năng. Đây là nội dung chính trong câu chuyện của chúng tôi với ông Phạm Vũ Hồng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang.
Phú Quốc hội đủ các lợi thế về địa lý, tự nhiên, kinh tế - xã hội để phát triển nền kinh tế mở cửa, hướng ngoại. Phú Quốc là đảo lớn nhất cả nước, có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh. Trong những năm qua, với sự hỗ trợ của Trung ương, sự nỗ lực của địa phương, tỉnh Kiên Giang đã tập trung phát triển huyện đảo Phú Quốc theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phối hợp xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo mọi điều kiện thuận lợi và môi trường đầu tư thông thoáng, bước đầu đã thu hút được một số nhà đầu tư lớn có uy tín, năng lực đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của Phú Quốc, nhất là về phát triển du lịch; và đã có sự thay đổi rõ nét và toàn diện trên các mặt, kinh tế tăng trưởng bình quân 27,5%/năm.
Tuy nhiên, cho đến nay, phát triển kinh tế - xã hội của Phú Quốc vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chuyển dịch cơ cấu còn chậm; kết cấu hạ tầng vẫn chưa đồng bộ. Cơ chế chính sách thu hút đầu tư chưa có sự ưu đãi vượt trội, chưa đủ sức cạnh tranh quốc tế, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực và công nghệ cao; nhất là các nhà đầu tư quốc tế. Quá trình triển khai thực hiện các cơ chế chính sách ưu đãi phát triển đảo Phú Quốc bộc lộ nhiều bất cập, chưa bảo đảm tạo lập niềm tin của các đối tác, nhất là đối tác nước ngoài đầu tư vào Phú Quốc.
Các nước trong khu vực đã và đang hình thành nhiều đặc khu kinh tế với cơ chế chính sách rất ưu đãi, thông thoáng. Trong khi đó, cơ chế chính sách ưu đãi trong nước chưa đủ mạnh để cạnh tranh quốc tế, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, thương hiệu, uy tín, thị trường để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và kinh doanh dịch vụ du lịch ở Phú Quốc.
Vì thế, cần thiết phải có cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội huy động có hiệu quả các nguồn lực để Phú Quốc phát triển đúng với tiềm năng, lợi thế của mình.
Thưa ông, trong bối cảnh này, tỉnh Kiên Giang định hướng phát triển Phú Quốc như thế nào?
Bộ Chính trị đã đồng ý phát triển Phú Quốc theo mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trực thuộc tỉnh. Vì thế, tỉnh Kiên Giang đang gấp rút xây dựng Đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, định hướng vận hành theo nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chính, với mô hình kinh tế mở, hướng ngoại trên cơ sở phù hợp Hiến pháp và pháp luật, nhất là Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đang được xây dựng.
Phát triển Phú Quốc với 4 trụ cột chính là: Công nghiệp giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng; dịch vụ tài chính - ngân hàng và kinh tế biển; các ngành công nghiệp công nghệ cao; nông nghiệp sạch phục vụ cho du lịch. Trong đó, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng được xác định là mũi nhọn của Phú Quốc với mục tiêu xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và dịch vụ cao cấp của cả nước và khu vực Đông Nam Á, chủ động khai thác lợi thế phát triển trong hợp tác quốc tế, nhất là với các nước ASEAN.
Về hành chính, nghiên cứu xây dựng bộ máy chính quyền của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc đảm bảo hiện đại, gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, được phân cấp mạnh về thẩm quyền trong quản lý; thiết lập các thể chế hành chính, đầu tư, thương mại theo chuẩn mực quốc tế, đủ sức cạnh tranh với các mô hình tương tự trong khu vực và trên thế giới nhằm thu hút đầu tư, thương mại quốc tế, bảo đảm trong khuôn khổ Hiến pháp, phù hợp với cam kết quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Tỉnh tập trung xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ trên đảo, nhất là giao thông (đường trục chính Bắc - Nam, đường vòng quanh đảo, cảng biển quốc tế An Thới, cảng hành khách quốc tế Dương Đông,...), hệ thống cấp điện, cấp nước, xử lý chất thải. Chuẩn bị tốt quỹ đất sạch và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án. Đặc biệt coi trọng quản lý tốt quy hoạch, đất đai, rừng nguyên sinh; đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường biển; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực;...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm khu nghỉ dưỡng JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay do Tập đoàn Sun Goup đầu tư tại Phú Quốc
“Đảo ngọc” cần những cơ chế chính sách nào để nhanh chóng hiện thực hóa những mục tiêu nêu trên, thưa ông?
Để thực hiện các mục tiêu trên, cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội để thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lý; hình thành khu vực tăng trưởng cao và phương thức quản lý hiện đại, tạo động lực phát triển vượt bậc, tái cơ cấu kinh tế cho địa phương và cả nước.
Hiện nay, Tỉnh đang trong quá trình xây dựng Đề án và thành lập các Tổ nghiên cứu cơ chế, chính sách nên cũng chưa cụ thể. Tuy nhiên, định hướng của tỉnh là đề xuất các cơ chế chính sách theo hướng mở, có tính cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới nhằm tạo sự đột phá về cơ chế, chính sách. Cơ chế, chính sách trọng tâm được đề xuất trong Đề án xây dựng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc bao gồm 06 nhóm: (1) Về tài chính, tiền tệ, ngân hàng; (2) chính sách ưu đãi thuế; (3) chính sách về thu hút nguồn nhân lực; (4) chính sách về an sinh xã hội; (5) chính sách về bất động sản và thị trường nhà ở; (6) chính sách nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và hoạt động của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Việc ban hành một luật chung thể chế hóa, đảm bảo tính nhất quán, ổn định, lâu dài cho các cơ chế, chính sách ưu đãi này trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết và cấp bách để Phú Quốc nói riêng, 3 “đặc khu” nói chung không bị lỡ cơ hội phát triển.
Ông có thể đánh giá khi Phú Quốc được hưởng những cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, “đặc khu” sẽ có sự phát triển và tác động lan tỏa như thế nào?
Tỉnh Kiên Giang đã sớm xác định phát triển khu kinh tế Phú Quốc để tạo thành một khu vực phát triển kinh tế năng động ở phía cực Nam của Tổ quốc. Việc xây dựng các cơ chế, chính sách về hành chính và kinh tế đột phá, cạnh tranh quốc tế, tạo mô hình động lực phát triển mới cho Phú Quốc chắc chắn sẽ giúp Phú Quốc thu hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Sự phát triển của Phú Quốc sẽ trở thành điểm nhấn về kinh tế - xã hội, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước phát triển.
Bên cạnh đó, với vị trí địa kinh tế, địa chính trị khác biệt, tôi hy vọng và tin tưởng rằng, Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc sẽ là nơi thực hiện thành công các cơ chế, chính sách mới một cách hiệu quả; mang lại sự khác biệt lớn không chỉ trong nước mà cả trong khu vực.
Trân trọng cảm ơn ông!
“Phú Quốc phải cất cánh nhờ khuôn khổ thể chế đặc biệt chứ không phải nhờ các biệt đãi, ưu ái về nguồn lực. Tỉnh Kiên Giang cần tập trung trí tuệ vào các giải pháp thể chế và tổ chức có tính chất đột phá, mở đường cho phát triển kinh tế và dân sinh. Những đề xuất cốt lõi của Kiên Giang về Phú Quốc cần được thể hiện trong Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, bảo đảm thể chế, chính sách phải có tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế”.
(Trích phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kiên Giang về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và của huyện đảo Phú Quốc, tháng 4/2017).