Nghiên cứu Nữ giới trong Công việc của PwC cho thấy, tiến trình bình đẳng giới vẫn còn quá chậm. Với tốc độ thu hẹp khoảng cách thu nhập theo giới tính như hiện tại, sẽ phải mất hơn 50 năm để đạt được mức lương bình đẳng giới.
Nghiên cứu cũng cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ giảm nhẹ, từ 6,7% xuống 6,4% vào năm 2021. Tuy nhiên, những thay đổi tương tự cũng được quan sát ở lực lượng lao động nam giới, cho thấy sự tiến bộ này là dấu hiệu của các yếu tố kinh tế vĩ mô và sự phục hồi của thị trường lao động nói chung, hơn là một tiến bộ về bình đẳng giới.
Chỉ số Trao quyền Toàn cầu của PwC nhấn mạnh khoảng cách giới đáng kể, trong đó, nam giới được trao quyền nhiều hơn ở nơi làm việc. Chỉ số này dựa trên quan điểm của gần 22.000 phụ nữ đang làm việc trên khắp thế giới. Nghiên cứu đo lường 12 yếu tố trao quyền trên bốn khía cạnh: quyền tự chủ; tầm ảnh hưởng; ý nghĩa công việc và cảm giác thuộc về; sự tự tin và năng lực.
Bốn yếu tố trao quyền tại nơi làm việc quan trọng nhất cho phụ nữ, cũng là bốn yếu tố cân nhắc hàng đầu đối với phụ nữ khi quyết định thay đổi nghề nghiệp, bao gồm: Lương thưởng công bằng (72%); Mức độ thỏa mãn với công việc (69%); Nơi nhân viên có thể là chính mình (67%); Có đội ngũ chăm sóc sức khỏe tinh thần (61%)
Nghiên cứu cũng cho thấy, nam giới và nữ giới nhìn chung có quan điểm giống nhau về tầm quan trọng của từng yếu tố trao quyền. Tuy nhiên, nam giới cho rằng họ thực sự được hưởng lợi từ những yếu tố này tại nơi làm việc hơn là nữ giới. Các khía cạnh mà phụ nữ có sự bất bình đẳng lớn nhất nằm ở việc trao thưởng công bằng (khoảng cách 34 điểm giữa mong muốn và thực tế), lựa chọn thời gian (27 điểm), địa điểm (22 điểm) và cách họ làm việc (22 điểm), sự thỏa mãn với công việc (20 điểm) và việc người quản lý xem xét quan điểm của họ khi đưa ra quyết định (19 điểm).
Khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế trao quyền trong công việc |
Những người phụ nữ được trao quyền nhiều nhất có xu hướng yêu cầu tăng lương (55%) và cũng như yêu cầu thăng chức (52%) nhiều hơn. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể (lần lượt là 31% và 26%) so với mức khảo sát chung.
Theo ngành nghề, những lao động nữ được trao quyền nhiều nhất đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông và viễn thông, đặc biệt là công nghệ là lĩnh vực phụ nữ thậm chí được trao quyền nhiều hơn một chút so với nam giới. Phụ nữ làm việc trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và năng lượng, tiện ích và tài nguyên được trao quyền nhiều thứ hai và thứ ba. Tuy nhiên, trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, nam giới được trao quyền nhiều hơn.
Nghiên cứu Nữ giới trong Công việc cũng đưa ra một kết quả đáng suy ngẫm: "Nghĩa vụ làm mẹ" là một trong những yếu tố gia tăng khoảng cách thu nhập giữa hai giới. Công việc chăm sóc trẻ nhỏ thiên về phía các bà mẹ khiến cho thời gian dành cho gia đình kéo dài - ảnh hưởng thu nhập của phụ nữ cả đời do tình trạng thiếu việc làm và chậm thăng tiến nghề nghiệp khi quay lại sau kỳ nghỉ thai sản. Thu nhập của các bà mẹ thấp hơn 60% so với thu nhập của các ông bố trong vòng 10 năm sau khi sinh con đầu lòng (kết quả đo lường tại 6 nước OECD); và nhìn rộng hơn là thiệt thòi của phụ nữ trong lương hưu và tiết kiệm tuổi già khi đến tuổi nghỉ hưu.