Gia tộc Al-Thani đã lãnh đạo Qatar từ đầu những năm 1900, khi nước này còn là thuộc địa của Anh. Khi ấy, kinh tế Qatar chủ yếu dựa vào mò ngọc trai và đánh bắt cá. Đến những năm 1920, ngành buôn bán ngọc trai sụp đổ, Qatar chìm trong nghèo khổ, thiếu đói và bệnh tật.
Năm 1939, dầu mỏ được phát hiện tại thành phố Dukhan (Qatar). Việc khai thác mỏ này diễn ra khá chậm chạp do Đại chiến Thế giới II. Dù trữ lượng mỏ này rất lớn, nó vẫn chưa là gì so với mỏ khí thiên nhiên được tìm ra hơn 30 năm sau đó.
Năm 1951, Qatar đã sản xuất 46.500 thùng dầu mỗi ngày, tương đương doanh thu 4,2 triệu USD. Việc phát hiện thêm các mỏ dầu ngoài khơi và sự xuất hiện của đại gia dầu mỏ - Shell đã nâng sản lượng khai thác tại đây lên 233.000 thùng mỗi ngày.
Doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ được gia tộc Al-Thani chi cho việc hiện đại hóa đất nước. Qatar xây trường học, bệnh viện, nhà máy điện, nhà máy lọc nước biển và hệ thống điện thoại đầu tiên vào thập niên 50.
Qatar giành độc lập năm 1971. Cùng trong năm này, họ phát hiện mỏ khí tự nhiên lớn nhất thế giới - South Pars/North Dome. Tuy nhiên, mỏ North Dome (North Field) chưa được phát triển do Qatar còn tập trung sản xuất dầu mỏ.
Năm 1972, Quốc vương Qatar thời đó - Khalifa bin Hamad bắt đầu giảm trợ cấp cho hoàng tộc và tăng chi cho các chương trình xã hội như nhà ở, y tế, giáo dục và lương hưu.
Giá dầu lao dốc thập niên 80 khiến kinh tế Qatar rơi vào khủng hoảng. Năm 1989, họ bắt đầu khai thác North Field, nhưng việc sản xuất khá chậm chạp.
Đến năm 1995, tình hình vẫn chưa được cải thiện. Hamad bin Khalifa Al-Thani đảo chính, cướp ngôi từ tay Khalifa bin Hamad và lái Qatar theo hướng hoàn toàn mới. Một trong những động thái đầu tiên của ông là tăng tốc khai thác mỏ khí North Dome. Qatar lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu khí tự nhiên.
Để phù hợp với nhu cầu và sản xuất ngày càng tăng, Qatar bắt đầu xây các nhà máy khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Giai đoạn 2000 - 2015, 14 nhà máy đã được xây dựng, thông qua hợp tác cùng công ty nước ngoài.
Cuối thập niên 90, Qatar bắt đầu ký thỏa thuận cùng khai thác với nhiều hãng dầu mỏ thế giới. Nhờ sản lượng khai thác ổn định, GDP nước này dần tăng tốc trong 15 năm qua.
Để tránh cạn kiệt tài nguyên, Qatar rất nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế. Năm 1998, nước này xây khu tổ hợp giáo dục Education City, đặt tại đây chi nhánh của 6 trường đại học Mỹ và hai trường châu Âu, cũng như nhiều trung tâm nghiên cứu và tư vấn chính sách.
Năm 2003, Qatar thành lập quỹ đầu tư quốc gia - Qatar Investment Authority, với tài sản hiện tại lên tới 335 tỷ USD, nhờ doanh thu từ dầu khí. QIA đầu tư vào Barclays Bank, Credit Suisse, Harrods, Porsche và cả Volkswagen. Họ sở hữu The Shard – tòa nhà chọc trời cao nhất châu Âu, cũng như phần lớn quận tài chính Canary Wharf tại London (Anh).
Qatar Financial Centre (QFC) được xây dựng năm 2005 để phát triển ngành công nghiệp tài chính của nước này. Họ tin rằng QFC có thể trở thành trung tâm dịch vụ tài chính tại Vùng Vịnh nhờ sự ổn định và nền tảng vốn dồi dào.
Năm 2006, Qatar vượt Indonesia thành nước xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới. Doanh thu từ dầu khí đóng góp tới 60% GDP nước này.
Tháng 12/2010, Qatar được chọn là nơi tổ chức World Cup 2022. Nước này cam kết xây 12 sân vận động hoành tráng với công nghệ làm mát hiện đại để các cầu thủ không phải chịu cái nóng sa mạc. Qatar hiện cũng là nơi chuyên tổ chức các sự kiện thể thao trong khu vực.
Bộ mặt Qatar đã thay đổi rất mạnh những năm qua. Đây là Doha (thủ đô Qatar) năm 1977.
Còn đây là Qatar của hiện tại, với GDP đầu người cao nhất thế giới. Theo World Factbook của CIA, con số này năm 2016 là gần 130.000 USD một năm.
Dù vậy, kinh tế Qatar đang bị đe dọa những ngày gần đây, khi bị hàng loạt quốc gia láng giềng cắt đứt quan hệ ngoại giao vì nghi nước này tài trợ khủng bố. Tiền tệ Qatar có lúc xuống đáy 11 năm so với USD, chứng khoán đã lao dốc vài ngày nay và nhiều nhà băng Vùng Vịnh bắt đầu rút tiền khỏi các ngân hàng Qatar. Việc này còn làm đình trệ nhiều chuyến bay giữa các nước trên, gây ra mối lo thiếu thực phẩm và nguồn cung vật liệu xây dựng.