Ảnh Internet |
Nhà sản xuất chip điện tử hàng đầu thế giới Qualcomm của Mỹ đã chờ đợi gần 2 năm để xóa bỏ các rào cản pháp lý trong việc mua lại hãng bán dẫn NXP Semiconductors của Hà Lan. Tuy nhiên, trong thông báo ngày 25/7, công ty có trụ sở chính tại San Diego (Mỹ) cho biết sẽ từ bỏ thương vụ trị giá 44 tỷ USD này và bồi thường cho NXP khoản phí 2 tỷ USD.
Qualcomm lần đầu tiên công bố thỏa thuận mua lại NXP hồi tháng 10/2016, và đã được chấp thuận bởi các nhà quản lý tại 8 trong tổng số 9 thế chế mà hãng tham vấn, bao gồm Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc. Trung Quốc là quốc gia duy nhất trì hoãn chấp thuận trong thời gian qua, giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Qualcomm cũng đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng thương vụ này khó có thể thực hiện. CEO của hãng, ông Steve Mollenkopf, cho biết nếu Trung Quốc không chấp nhận thỏa thuận giữa Qualcomm và NXP, hãng sẽ từ bỏ nó.
“Chúng tôi phải cân nhắc các rủi ro dựa vào tình hình địa chính trị hiện tại, và chúng tôi không thấy được triển vọng tốt hơn trong tương lai gần”, ông Mollenkopf nói.
Đây không phải là lần đầu tiên mà Qualcomm bị cuốn vào cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngành công nghiệp công nghệ đang trở thành một chiến trường quan trọng trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hồi tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngăn chặn thương vụ mua lại Qualcomm của đối thủ Broadcom trị giá 117 tỷ USD, do cho rằng Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ trong việc phát triển công nghệ 5G. Đến tháng 4, chính quyền ông Trump đã áp lệnh cấm tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc mua lại các bộ phận phần mền và linh kiện của các công ty Mỹ. Lệnh cấm của ông Trump không chỉ khiến hoạt động của ZTE tê liệt mà cũng còn ảnh hưởng đến chính Qualcomm, khi hãng là nhà cung cấp chíp lớn nhất cho điện thoại thông minh của ZTE.
Thỏa thuận mua lại NXP của Qualcomm dường như trở nên “sáng sủa” hơn sau khi chính phủ Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm đối với ZTE. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang trong thời gian gần đây đã khiến thương vụ này rơi vào bế tắc.
Về phần mình, Trung Quốc cũng mong muốn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cạnh tranh và giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài. Thỏa thuận Qualcomm-NXP sẽ giúp Mỹ nâng cao tầm ảnh hưởng trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu và “mang lại những tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp này tại Trung Quốc”, chuyên gia phân tích JH Lin thuộc hãng nghiên cứu Trend Force cho biết.
“Qualcomm cũng sẽ tăng cường công nghệ của mình, và đó sẽ là một thách thức lớn hoặc thâm chí là nguy cơ đối với các nhà sản xuất chip của Trung Quốc cũng như ngành công nghiệp bán dẫn trong nước”, ông Lin nhận xét.