Quản lý nợ công chặt chẽ hơn

(BĐT) - Các vấn đề tồn tại trong quản lý nợ công, đầu tư công đang cần được nhìn nhận rõ ràng hơn để quản lý chặt chẽ hơn. Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ giúp công tác quản lý vay, trả và bố trí nợ công chặt chẽ và hiệu quả hơn.
12 đại dự án thua lỗ của Bộ Công Thương gây nhiều gánh nặng cho nợ công. Ảnh: Tường Lâm
12 đại dự án thua lỗ của Bộ Công Thương gây nhiều gánh nặng cho nợ công. Ảnh: Tường Lâm

Thách thức trong quản lý nợ công

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu nhìn vào cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, nợ công vẫn là một trong những điều đáng lo ngại. Từ khoảng năm 2012 trở đi, về cơ bản thu ngân sách của Việt Nam chỉ đủ cho chi thường xuyên và trả lãi. Đến bây giờ, thu ngân sách rất chật vật để chi thường xuyên và trả lãi. Điều đó có nghĩa là, mỗi đồng đầu tư là mỗi đồng đi vay, mỗi đồng đi vay là mỗi đồng tăng nợ.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) chỉ sửa những phần cho phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, phù hợp với Hiến pháp 2013 và đồng bộ hoá với Luật Đầu tư công, còn về bản chất thì không có gì thay đổi nhiều. Vấn đề cần phải bàn là quản lý tập trung từ lúc vay nợ công cho tới lúc trả nợ. Đồng thời, luật này sẽ phải tương thích với Luật Đầu tư công về sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay, trách nhiệm đi vay.

Cũng theo TS. Trần Du Lịch, thực ra trần nợ công 65% GDP là do ta đặt ra. Cái trần nợ này không quan trọng, cái quan trọng nhất của nợ công là vỡ nợ hay không vỡ nợ, là tiền hàng năm phải trả nợ so với tổng thu ngân sách. Có quốc gia vỡ nợ không phải là do tỷ lệ đầu tư công so với GDP ở mức cao, có quốc gia nợ công khoảng 150% - 200% GDP nhưng chẳng bao giờ vỡ nợ, có quốc gia vỡ nợ vì thu không đủ để trả nợ hàng năm. 

Bài học từ 12 đại dự án thua lỗ

Nhiều chuyên cho rằng, nếu nhìn vào cơ cấu nền kinh tế, nợ công vẫn là một trong những điều đáng lo ngại. Từ khoảng năm 2012 trở đi, về cơ bản thu ngân sách của Việt Nam chỉ đủ cho chi thường xuyên và trả lãi.
Một vấn đề cần quan tâm là nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong vấn đề vay nợ của DNNN thì việc tự đi vay rồi tự đi trả là không ai cấm, mọi thành phần đều giống nhau. Nhưng trước đây, những chuyện không hay khi Chính phủ bảo lãnh cho DNNN đi vay thì đã xảy ra rồi, như Vinashin, Vinalines. Do đó, cần quản lý nợ công thật sự chặt chẽ, khoa học, bởi nợ công liên quan đến việc đầu tư, chi tiêu, chính sách tài khóa ngắn hạn, trung hạn, dài hạn...

Ở một góc nhìn khác trong vấn đề nợ của DNNN và đầu tư công, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu của Đại học Fulbright đưa ra trường hợp điển hình là 12 đại dự án do Bộ Công Thương quản lý bị nợ nần, thua lỗ nặng. Tổng quy mô của 12 đại dự án này là khoảng 64.000 tỷ đồng, một con số rất lớn. So sánh với một con số khác, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã duyệt một khoản đầu tư ngân sách 55.000 tỷ đồng để phát triển đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Lúc đầu, Bộ Giao thông vận tải đề nghị mức đầu tư là 65.000 tỷ đồng nhưng giờ đã phải buộc gút lại.

TS. Vũ Thành Tự Anh so sánh giữa khoản tiền 64.000 tỷ đồng của 12 đại dự án thua lỗ (đầu tư vào những lĩnh vực mà Việt Nam không có năng lực cạnh tranh) và 55.000 tỷ đồng mà cả nước phải tằn tiện để phát triển đường cao tốc huyết mạch Bắc - Nam. Nói cách khác, nếu Nhà nước không vướng vào những đại dự án thua lỗ, nợ nần như thế thì có đủ khả năng thu xếp vốn để làm hệ thống cao tốc Bắc - Nam và hoàn thành sớm trong vài năm tới. Từ đó, để có thể hình dung mức độ “phá phách” của 12 đại dự án nợ nần, thua lỗ khủng khiếp như thế nào. Chưa kể còn biết bao nhiêu hệ lụy xấu khác.

Như chia sẻ của đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, cần quan tâm đến nợ của DNNN. Nếu nói Nhà nước không chịu trách nhiệm cũng không được vì nếu DNNN vay nợ mà bị phá sản thì Nhà nước cũng không thể đứng ngoài. Ông Nghĩa cho rằng, việc gạt toàn bộ số nợ của DNNN ra khỏi nợ công là không ổn, phải có một cách xử lý.