Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Quảng Bình cần biến những tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển bền vững, theo hướng tốt nhất, có lợi nhất. Ảnh: VGP |
Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết sức hấp dẫn của du lịch Quảng Bình chủ yếu đến từ di sản thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng cùng hệ thống hang động độc đáo hàng đầu thế giới; đường bờ biển dài 116 km với nhiều bãi tắm đẹp cùng các di sản văn hóa đặc trưng.
Năm 2017, số du khách đến Quảng Bình ước đạt 3,3 triệu lượt, tăng 70,9% so với cùng kỳ 2016, trong đó khách quốc tế ước đạt 100.000 lượt, tăng gần 120% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch 2017 ước đạt trên 3.700 tỷ đồng (tăng 35% so với 2016).
Tỉnh có 297 cơ sở lưu trú du lịch (trong đó 17 khách sạn từ 3 sao đến 5 sao) với 5.100 buồng; 38 DN lữ hành, 12 DN được cấp phép lữ hành quốc tế.
Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình Hoàng Đăng Quang nhìn nhận, về cơ bản hệ thống hạ tầng vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn thiếu, ít cơ sở đạt tiêu chuẩn cao cấp, thiếu các khu vui chơi giải trí và dịch vụ bổ sung phục vụ khách du lịch.
Sản phẩm du lịch còn ít so với tiềm năng, chưa có thương hiệu có khả năng cạnh tranh cao. Công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch thiếu chiến lược lâu dài, chưa có nguồn lực tài chính và khả năng tiếp cận thị trường quốc tế. Đội ngũ nhân lực du lịch còn thiếu và yếu, không ổn định.
Về giáo dục, Quảng Bình có 594 trường mầm non và phổ thông, trong đó có 324 trường đạt chuẩn quốc gia. Tỉ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 97,2%. Trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,8%; trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,99%; lớp 5 vào lớp 6 đạt 99,47%; lớp 9 vào lớp 10 đạt 85%. Tỉ lệ người biết đọc, biết viết đạt 98,1%.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới hiện có 49 trường với 7.873 học sinh, đạt tỉ lệ 79,72% nhưng tỉ lệ huy động học sinh THPT là người dân tộc thiểu số còn thấp, chỉ đạt 4,77%.
Cơ sở vật chất các cấp học nhìn chung còn thiếu phòng học, thiết bị học tập, nhà ở cho giáo viên miền núi, chưa tổ chức được bán trú cho cấp học mầm non. Đáng chú ý số phòng học kiên cố hóa tại các trường học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng viên giới chỉ đạt 42,1%.
Báo cáo về công tác chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết 100% số xã có trạm y tế, định biên từ 5 nhân viên trở lên. Có 5 trạm quân dân y kết hợp được xây dựng và hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho bà con vùng dân tộc, biên giới có hiệu quả.
Tỉnh có chương trình hỗ trợ các trang thiết bị y tế cho các phòng khám khu vực, trạm y tế, trạm quân dân y. Nhiều trạm đã được trang bị máy siêu âm và các máy xét nghiệm hoạt động có hiệu quả. Những khó khăn chủ yếu của các trạm y tế do địa bàn xa, một số trạm y tế đã xuống cấp, thiếu trang thiết bị y tế.
Tình trạng quá tải diễn ra ở hầu hết các bệnh viện tuyến huyện. Quảng Bình rất thiếu bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh về bệnh phổi, sản-nhi, nội tiết, tâm thần…
Trong buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã trao đổi, thảo luận về những kiến nghị của Quảng Bình để tận dụng lợi thế di sản thiên nhiên, văn hoá để phát triển du lịch bền vững; tháo gỡ khó khăn, tăng cường đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở, trường học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới...
Đánh giá cao nỗ lực và sự chủ động của Quảng Bình trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tỉnh cần biến những tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển bền vững, theo hướng tốt nhất, có lợi nhất.
Với tài nguyên du lịch hiện có, Phó Thủ tướng đồng tình với định hướng phát triển của Quảng Bình vào du lịch khám phá, trải nghiệm nhằm tận dụng hệ thống hang động độc đáo, vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, các sản phẩm du lịch biển…
Theo Phó Thủ tướng, tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành du lịch trong mấy năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của các nhà đầu tư lớn đã làm nên những thương hiệu, sản phẩm du lịch nổi tiếng. Đây là kinh nghiệm Quảng Bình cần học tập. Với phong cảnh thiên nhiên, các di sản văn hoá tỉnh cần thu hút những nhà đầu tư lớn, để xây dựng các khu du lịch, sản phẩm du lịch trọng điểm, “tạo chất lượng mới”.
“Chúng ta làm du lịch cộng đồng, khám phá, trải nghiệm là để người dân cùng tham gia và chứ không thể ‘ôm’ di sản mà vẫn nghèo. Tuy nhiên, phát triển phải bền vững do vậy cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện thì mới triển khai. Làm du lịch mà vẫn giữ được di sản, giữ được rừng, văn hoá, môi trường thì không chỉ cần tiềm lực tài chính mà đặc biệt rất cần những nhà đầu tư, tư vấn có kinh nghiệm”, Phó Thủ tướng gợi mở.
Trong giáo dục, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý Quảng Bình cần có giải pháp khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên. Sở GD&ĐT phải phối hợp với Sở Nội vụ để dự báo chính xác nhu cầu giáo viên, chấn chỉnh lại hoạt động đào tạo giáo viên theo hướng giáo viên mới đào tại tại những trường sư phạm trọng điểm, chất lượng cao còn các trường sư phạm địa phương sẽ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đang công tác, sắp xếp lại.
Dành nhiều thời gian nói về việc củng cố hệ thống y tế cơ sở, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu thực tế mạng lưới các trạm y tế được phát triển rộng khắp nhưng người dân không đến khám chữa bệnh, bác sĩ không được khám chữa bệnh nhiều nên chuyên môn cũng mai một dần. Vì vậy, Nghị quyết Trung ương 6 (khoá XII) về công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới đã đặt ra yêu cầu phải củng cố lại hệ thống trên nền tảng quản trị mới, thống nhất, ứng dụng công nghệ thông tin.
Thời gian qua, ngành y tế đã từng bước đưa công nghệ thông tin vào quản lý các hoạt động của trạm y tế xã bắt đầu từ hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng toàn quốc cho phép theo dõi tình trạng tiêm chủng mọi trẻ em, bà mẹ mang thai, kết nối toàn quốc.
Tiếp đến là thí điểm quản lý người điều trị Methadone bằng tin học. Nhiều trạm y tế cũng đã bắt đầu cập nhật thông tin về tình hình khám sức khoẻ của người dân khi đến khám tại trạm dù chưa có phần mềm thống nhất và kết nối toàn bộ… Đây là những điều kiện thuận lợi ban đầu để triển khai đồng loạt phần mềm cập nhật sức khoẻ của mọi người dân tích hợp trên hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng tại trạm y tế xã, phường.
“Khi đó mỗi người dân sẽ có một sổ khám bệnh điện tử thay vì mỗi lần đi khám lại có sổ khám mới; không chỉ thuận tiện trong khám chữa bệnh mà cơ quan y tế còn nắm được tình trạng sức khoẻ của người dân trên địa bàn để có các biện pháp tư vấn, chăm sóc sức khoẻ dự phòng từ đầu. Tiến tới mỗi người dân đều được khám định kỳ sức khoẻ ban đầu tại trạm y tế xã để phát hiện, điều trị bệnh sớm, tay nghề chuyên môn của bác sĩ cũng nâng lên. Các trạm y tế xã làm được như vậy thì bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh cũng sẽ làm được”, Phó Thủ tướng cho biết thêm.
Để thực hiện mục tiêu trên, Quảng Bình cần chủ động rà soát lại việc phân bổ lực lượng y tế cơ sở có tính toán tới sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị, đồng bằng và miền núi. “Khắc phục tình trạng trạm y tế nằm sát bệnh viện trong khi có những xã miền núi người dân phải đi nửa ngày trời mới tới được trạm y tế xã”.
Ảnh: VGP
“Thay đổi cung cách quản lý kèm theo hướng dẫn chuyên môn để y tế cơ sở thực sự có hiệu quả. Quảng Bình làm được sẽ thành hình mẫu để nhiều tỉnh khác làm theo”, Phó Thủ tướng kỳ vọng.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến và giao các bộ ngành nghiên cứu, đề xuất hướng giải quyết một số kiến nghị cụ thể của Quảng Bình.