Ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô vốn là ngành chủ lực của tỉnh Quảng Nam nhưng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nguồn: Thaco |
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hưng chia sẻ, lãnh đạo Quảng Nam cũng bất ngờ khi tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I/2023 ở mức tăng trưởng âm 10,9% so với cùng kỳ năm 2022. “So với cùng kỳ năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng 3,6%. Tuy nhiên, khu vực công nghiệp và xây dựng lại giảm 27,4% so với cùng kỳ, trong đó, công nghiệp giảm 27,3%, xây dựng giảm 28,4%. Khu vực dịch vụ dù đóng góp lớn nhất trong tăng trưởng kinh tế của Tỉnh, nhưng vẫn không ngăn được đà sụt giảm GRDP toàn Tỉnh”, ông Hưng cho biết thêm.
Không chỉ bị tác động bởi hai lĩnh vực trên, theo Cục Thống kê tỉnh Quảng Nam, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gấp gần 2 lần số thành lập mới cũng khiến các nguồn thu của Quảng Nam bị sụt giảm. Trong quý I, toàn Tỉnh có 281 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng có tới 620 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; 178 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 46% so với cùng kỳ năm 2022.
Giải thích thêm về nguyên nhân chỉ tiêu kinh tế ngành công nghiệp và xây dựng sụt giảm mạnh, theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam, ở lĩnh vực xây dựng là do giá nguyên vật liệu đột ngột tăng cao, nguồn cung bị gián đoạn nên các công trình, dự án gần như “dậm chân tại chỗ”. Giải ngân đầu tư công có lúc bị ngưng đọng. Trong khi đó, đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, vốn là ngành chủ lực trong bức tranh kinh tế của Tỉnh, nhưng lại phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thị trường ô tô những tháng đầu năm ảm đạm. Khó khăn của ngành ô tô thể hiện rõ trong báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA).
Theo VAMA, sản lượng tiêu thụ ô tô tại Việt Nam trong quý I/2023 đạt 50.091 xe các loại, sụt giảm 27% so với cùng kỳ. Trong các nhà sản xuất có số lượng tiêu thụ lớn, VAMA không ghi nhận có Thaco, mà chỉ có Hyundai (5.467 xe bán ra), Toyota Việt Nam (4.887 xe), VinFast (416 xe). Các thương hiệu khác đều ghi nhận mức sụt giảm lớn: Peugeot giảm 78%, Kia giảm 57%, trong khi dòng xe mang các thương hiệu này phần lớp được sản xuất, lắp ráp và cung ứng tại Thaco Chu Lai.
Để chặn đà sụt giảm và vực dậy tăng trưởng trong quý II/2023 và các quý tiếp theo, lãnh đạo Tỉnh cho biết, Quảng Nam sẽ thực thi nhiều giải pháp. Đối với ngành sản xuất ô tô, Quảng Nam đang và sẽ tập trung hỗ trợ, nhất là về tín dụng và thực hiện một số chính sách ưu đãi thuế. Đối với ngành xây dựng, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, giải pháp duy nhất là tăng tỷ lệ hấp thụ vốn đầu tư công vào các công trình, dự án. Cùng với đó, cần nhanh chóng hoàn thiện Đề án quy hoạch tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư mới.
Trước mắt trong quý II/2023, ông Quang khẳng định, lãnh đạo Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. “Cụ thể, chúng tôi sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm nhằm vừa tăng tốc độ giải ngân, phát huy hiệu quả đồng vốn; vừa tạo động lực, sức lan tỏa mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội”, ông Quang nói.