Các đại biểu Quốc hội tại phòng họp Diên Hồng, toà nhà Quốc hội. |
Đây là lần thứ hai dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được đưa lên bàn nghị sự. Tại kỳ họp thứ 7, Bộ Nội vụ - cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất bổ sung nội dung cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về vi phạm của mình trong thời gian công tác. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, họ phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có vi phạm.
Dự thảo Luật cũng bỏ hình thức kỷ luật "giáng chức", giữ lại bốn mức kỷ luật khác là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc để tương thích với bốn hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng (gồm khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ).
Nhiều đại biểu đồng tình với nội dung trên vì phù hợp với thực tiễn thời gian qua, nhiều trường hợp nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện sai phạm nhưng tổ chức gặp khó trong xử lý kỷ luật do luật hiện hành chưa quy định cụ thể.
"Đây là quy định cần thiết để răn đe cán bộ, công chức, sao cho khi làm việc phải đề cao trách nhiệm cá nhân", đại biểu Phạm Văn Hoà nói và nêu thực trạng nhiều trường hợp cán bộ trước khi nghỉ hưu đã tìm kiếm lợi ích cục bộ cho bản thân, tư duy nhiệm kỳ và sau đó "hạ cánh an toàn"...
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng đề nghị làm rõ hình thức kỷ luật "xóa tư cách" chức vụ mà cán bộ đã đảm nhiệm tại thời điểm vi phạm, vì việc "xóa tư cách" chỉ là "xóa cái danh" của cán bộ, công chức đó. Quan trọng hơn là các chế độ, chính sách kèm theo chức danh như hệ số phụ cấp, thưởng... có bị truy thu hay không?