Quốc hội có thể phê chuẩn Hiệp định TPP vào cuối năm 2016

Tiến sỹ Ngô Đức Mạnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, cho biết Quốc hội có thể sẽ phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào cuối năm nay.
May hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu tại Garco 10. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
May hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu tại Garco 10. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Quốc hội sẽ xem xét đề xuất phê chuẩn Hiệp định TPP từ Chủ tịch nước, Chính phủ và các bộ, ban ngành hữu quan. Sau khi thẩm tra Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế cùng các nội dung liên quan tới Hiệp định TPP như sự cần thiết phê chuẩn hiệp định; trình tự, thủ tục đề xuất phê chuẩn; tính hợp hiến và mức độ tương thích với các văn bản pháp luật của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội; khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần hiệp định và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, Quốc hội sẽ chính thức phê chuẩn Hiệp định TPP.

Quốc hội sẽ phê chuẩn Hiệp định TPP bằng một nghị quyết; trong đó, phê chuẩn việc Việt Nam gia nhập Hiệp định TPP và thừa nhận hiệu lực thi hành các cam kết mà Việt Nam cần phải thực hiện.

Để thẩm tra và phê chuẩn Hiệp định TPP trong thời gian tới, các Bộ, ngành được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Đối ngoại cùng các cơ quan khác của Quốc hội để nhanh chóng hoàn tất việc phê chuẩn Hiệp định TPP.

Cụ thể như Bộ Công Thương cần cung cấp và phổ biến thông tin toàn diện, đầy đủ về Hiệp định cho các đại biểu Quốc hội; tiến hành rà soát, đánh giá tính hợp hiến và mức độ tương thích của Hiệp định TPP với các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện Hiệp định TPP. Đồng thời tổ chức đánh giá tác động của Hiệp định TPP đối với các ngành, các lĩnh vực, nhất là những thách thức đặt ra và giải pháp cụ thể để tận dụng cơ hội và tối đa hóa lợi ích của Việt Nam khi tham gia Hiệp định TPP...

Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp sẽ được tham vấn rộng rãi để ghi nhận các ý kiến, quan điểm về những tác động trực tiếp từ Hiệp định TPP. Từ đó, giúp cho các cơ quan tham vấn xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai thực hiện sau khi Hiệp định TPP có hiệu lực đối với Việt Nam./.