Giá dầu Mỹ tăng do căng thẳng Iran

Mâu thuẫn giữa phương Tây với Iran đẩy giá dầu tăng, nhưng giá năng lượng này cũng chịu sức ép giảm từ mối lo về nhu cầu...
Những người công nhân làm việc trên một mỏ dầu ở Mỹ.
Những người công nhân làm việc trên một mỏ dầu ở Mỹ.

Giá dầu thế giới diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, khi giá dầu tại thị trường Mỹ tăng phiên thứ ba liên tiếp, còn giá dầu Brent tại thị trường London giảm.

Căng thẳng leo thang giữa phương Tây với Iran đang đẩy cao khả năng gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông, nhưng mặt khác giá dầu cũng chịu áp lực giảm từ mối lo thiếu cầu.

Mâu thuẫn địa chính trị với Iran "nóng" lên đang là nhân tố hỗ trợ cho giá dầu, nhưng kỳ vọng về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu có vẻ đang suy giảm - trang MarketWach dẫn lời ông Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao thuộc Price Futures Group.

Lúc đóng cửa tại New York, giá dầu thô WTI giao tháng 8 tăng 0,15 USD/thùng, tương đương tăng 0,3%, đạt 57,66 USD/thùng. Tính đến phiên này, giá dầu WTI đã tăng liền ba phiên. Trong tuần trước, giá dầu loại này giảm 1,6%.

Giá dầu Brent giao tháng 9 giảm 0,12 USD/thùng, tương đương giảm 0,2%, còn 64,11 USD/thùng. Tuần trước, giá dầu Brent giảm 0,8%.

Iran tuyên bố đang làm giàu hạt nhân trên ngưỡng cho phép quy định trong thỏa thuận hạt nhân mà nước này ký với 6 cường quốc vào năm 2015. Ngoài ra, Iran cũng dọa trả đũa việc Anh bắt một tàu chở dầu Iran hồi tuần trước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi gọi việc Anh bắt tàu Iran là hành động "cướp biển", nhưng không đưa ra lời đe dọa nào nhằm vào tàu bè đi qua eo biển Hormuz - hãng tin AP cho hay. Eo biển này vốn được xem là một tuyến đường huyết mạch trong hoạt động vận chuyển dầu lửa trên toàn cầu.

Các nhà phân tích thuộc ngân hàng Commerzbank cho rằng việc Iran liên tiếp vi phạm thỏa thuận hạt nhân có thể dẫn tới việc châu Âu áp các biện pháp trừng phạt lên nước này. Hiện Iran đang chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế ngặt nghèo của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Bên cạnh đó, giá dầu cũng được nâng đỡ bởi nỗ lực hạn chế sản lượng. Tuần trước, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác gồm Nga, tức nhóm OPEC+, đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thêm 9 tháng.

Trong những phiên giao dịch gần đây, nỗi lo về nhu cầu tiêu thụ dầu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc có vẻ như đã lấn lướt mối lo về nguồn cung. Cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết giữa Mỹ và Trung Quốc đặt ra sức ép đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khiến kỳ vọng về nhu cầu tiêu thụ dầu yếu đi.

Bởi vậy, căng thẳng Iran và thỏa thuận của OPEC+ không thể đẩy giá dầu tăng chóng mặt như cách đây mấy tháng, dù đây vẫn là những yếu tố quan trọng hỗ trợ cho giá dầu.

Theo kết quả một cuộc khảo sát do S&P Global Platts thực hiện, sản lượng dầu của OPEC trong tháng 6 là 30,09 triệu thùng/ngày, không thay đổi so với tháng 5. Tuy nhiên, mức độ tuân thủ của khối đối với hạn ngạch sản lượng trong tháng 6 là 104%, so với mức 117% trong tháng 5.

Tin cùng chuyên mục