Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp: Trở thành điểm đến của chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp bền vững toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáng 22/2, Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh đã thông qua Báo cáo Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện có bổ sung, chỉnh sửa.
Toàn cảnh Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: Đức Trung)
Toàn cảnh Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: Đức Trung)

Cần phương án phát triển đưa Đồng Tháp thành trung tâm động lực của Vùng

Phát biểu tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh nêu rõ, công tác quy hoạch là cơ hội tốt để sắp xếp lại không gian phát triển mới, tạo dư địa và động lực phát triển cho tỉnh, giải quyết triệt để được các nút thắt, điểm nghẽn mà giai đoạn trước chưa có cơ hội để thực hiện.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp được lập trong bối cảnh có những thuận lợi là đã có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rất rõ về định hướng phát triển của đất nước đến năm 2045; có Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; có Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 nêu rõ định hướng phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh; có Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch vùng ĐBSCL đã xác định rất rõ về vị trí, vai trò của tỉnh Đồng Tháp đối với Vùng và cả nước; có 6 quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt là cơ sở để Tỉnh đưa ra định hướng phát triển cũng như kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng quốc gia qua địa bàn.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: Đức Trung)
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: Đức Trung)

Đồng Tháp có vị thế là một trong ba tỉnh của vùng Đồng Tháp Mười, nằm trong vùng trọng điểm về sản xuất lương thực - thực phẩm của cả nước. Đất đai Đồng Tháp màu mỡ phù sa do hai con sông Tiền và sông Hậu cung cấp hàng năm, vì thế, Tỉnh được biết đến như một vựa lúa của cả nước. Bên cạnh đó, Đồng Tháp cũng là tỉnh có tiềm năng, thế mạnh và triển vọng phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày như mía, bông, thuốc lá, đậu tương và cây ăn trái.

Đồng Tháp là tỉnh có nhiều tuyến quốc lộ đi qua, hệ thống giao thông thuận lợi tạo điều kiện để Tỉnh kết nối chặt chẽ với TP.HCM, Cần Thơ và các tỉnh lân cận; đồng thời từ Đồng Tháp dễ dàng sang nước Campuchia thông qua 2 cửa khẩu quốc tế (Thường Phước và Dinh Bà) và 5 cửa khẩu phụ. Cùng với đó, Đồng Tháp có hệ thống giao thông đường thủy rất thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa được tạo bởi sông Tiền và sông Hậu.

Năm 2022, với quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền, sự vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn, kinh tế của tỉnh Đồng Tháp đạt mức tăng trưởng cao hơn so với kỳ vọng. Cụ thể, mức tăng trưởng năm 2022 ước đạt 9,11% (kế hoạch là 7,0%), quy mô kinh tế đạt 100.171 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt hơn 62 triệu đồng (tương đương 2.675 USD).

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được về phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Trần Quốc Phương yêu cầu, tỉnh Đồng Tháp cần phải xây dựng một bản quy hoạch có chất lượng, trong đó đưa ra được các phương án phát triển, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, giải quyết các khó khăn, thách thức, đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc; xác định các trọng tâm, đột phá và đưa ra được các nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện để tạo động lực phát triển xứng tầm là một trong những trung tâm động lực của Vùng.

Đặt mục tiêu phát triển cân bằng, toàn diện và bền vững

Đồng thuận với quan điểm trên, chia sẻ tại Hội nghị, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Tỉnh xác định quy hoạch là bước đi tiên phong, là vấn đề quan trọng nhất, do đó địa phương đã thay đổi trong tư duy lập quy hoạch.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, địa phương đã có nhiều thay đổi trong tư duy lập quy hoạch (Ảnh: Đức Trung)
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, địa phương đã có nhiều thay đổi trong tư duy lập quy hoạch (Ảnh: Đức Trung)

“Chúng tôi không xem tài nguyên là vấn đề cốt lõi trong phát triển, mà coi yếu tố con người là vấn đề quan trọng nhất. Bản Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp chú trọng phát triển hài hòa, lấy hạnh phúc và chất lượng cuộc sống của người dân là cốt lõi và mục tiêu của sự phát triển”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo đó, Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu phát triển cân bằng, toàn diện và bền vững đến năm 2030. Nông nghiệp đổi mới là động lực chủ yếu, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Phát triển của Tỉnh dựa trên chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Xem công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp vật liệu xây dựng, phát triển năng lượng tái tạo, chuyển đổi số là các mũi đột phá, hình thành hệ sinh thái công nghiệp bổ trợ (doanh nghiệp, khởi nghiệp, nông dân...) giúp Đồng Tháp chuyển mình từ một tỉnh di cư sang một tỉnh định cư, trở thành một điểm đến của chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp bền vững toàn cầu.

Tỉnh cũng đề ra mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức được phát huy; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội thuộc nhóm tiên tiến của cả nước; đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống được nâng cao; mở rộng hợp tác, hội nhập sâu rộng với thế giới; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc.

Đến năm 2050, Đồng Tháp là trung tâm giao lưu kinh tế giữa ĐBSCL với các nước tiểu vùng sông Mê Công, là trung tâm du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL và cả nước. Tiếp tục khẳng định vị trí trung tâm đầu mối nông nghiệp bền vững về thuỷ sản nước ngọt, hoa kiểng, trái cây, lúa gạo, ứng dụng công nghệ cao của khu vực ĐBSCL, dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế. Quan trọng hơn hết, Đồng Tháp là một trong những tỉnh đáng sống và hạnh phúc của vùng với các tiêu chí hướng đến sự cân bằng, hài hòa và bền vững.

Về không gian phát triển, Quy hoạch tổ chức không gian phát triển Tỉnh theo 4 vùng liên huyện giàu đặc trưng, bao gồm: (1) Chuỗi đô thị và hành lang kinh tế sông Tiền; (2) Vùng kinh tế biên giới thượng nguồn sông Tiền; (3) Vùng kinh tế hậu cần ven sông Hậu và (4) Vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp trung tâm Đồng Tháp Mười.

Về phương án phát triển hệ thống đô thị, tỉnh Đồng Tháp phát triển mô hình các mạng lưới tiểu vùng đô thị đa trung tâm, với 1 chuỗi đô thị trung tâm và 3 tiểu vùng đô thị độc lập mang tính bổ trợ lẫn nhau.

Tin cùng chuyên mục