Quy hoạch tỉnh Hà Nam: Phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 14/4, Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh thông qua để chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch sau khi được Chính phủ phê duyệt sẽ tạo đà cho Hà Nam đạt được nhiều mục tiêu cao hơn trong thời gian tới.
Toàn cảnh Phiên họp thẩm định hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung
Toàn cảnh Phiên họp thẩm định hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung

Tại Phiên họp thẩm định hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh Trần Quốc Phương nhấn mạnh, Hà Nam là địa phương thứ 34 được thẩm định quy hoạch tỉnh. Thứ trưởng đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh và sự phối hợp có hiệu quả giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư với các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trong quá trình triển khai lập và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hà Nam.

Quy hoạch tỉnh Hà Nam có nhiều căn cứ, cơ sở để xem xét, cụ thể hóa những định hướng phát triển trên địa bàn Tỉnh thông qua Quy hoạch, nhờ những thuận lợi nhất định trong bối cảnh lập Quy hoạch. Đó là, có những định hướng quan trọng từ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; có Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 30); có Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025; đặc biệt có Quy hoạch tổng thể quốc gia vừa được Quốc hội thông qua; các quy hoạch ngành quốc gia (nhất là các quy hoạch về hạ tầng giao thông) và một số quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, với vị trí là tỉnh nằm ở cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội (cách Hà Nội khoảng 60 km), Hà Nam có vị trí đặc biệt quan trọng với vùng ĐBSH và cả nước. Ngoài ra, Hà Nam là nơi có vị trí gần với nguồn nhân lực chất lượng cao và rất gần với các cảng hàng không, cảng biển trọng điểm của đất nước. Đặc biệt, Hà Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên du lịch dồi dào, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã được đầu tư và phát triển (Khu du lịch trọng điểm quốc gia Tam Chúc, Bát Cảnh Sơn...). Đây là những lợi thế của Hà Nam không chỉ trong thu hút đầu tư mà còn thuận lợi trong việc liên kết phát triển với các địa phương.

Ngoài những thuận lợi, Hà Nam còn nhiều khó khăn, thách thức cần phải đối mặt trên con đường hiện thực hóa mục tiêu của Tỉnh tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Anh Chức phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Anh Chức phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung

Phát biểu tại Phiên họp thẩm định, ông Nguyễn Anh Chức - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, xác định vai trò và ý nghĩa của Quy hoạch, Tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, sớm xây dựng nhiệm vụ lập Quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 18/3/2020 và triển khai lập, tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư và các chuyên gia, nhà khoa học theo đúng trình tự, thủ tục quy định. UBND Tỉnh cũng đã báo cáo xin ý kiến thống nhất chủ trương của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về các nội dung của Quy hoạch và lấy ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương liên quan trước khi trình Hội đồng Thẩm định.

Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Hà Nam xác định Quy hoạch Tỉnh có vai trò đặc biệt quan trọng, là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý để chính quyền các cấp trong Tỉnh xác định chính sách và kiến tạo động lực phát triển; xây dựng định hướng, chiến lược, tầm nhìn, mục tiêu phát triển, đồng thời xác định động lực, không gian phát triển của từng ngành, lĩnh vực, địa bàn để phát triển đồng bộ, thống nhất, khai thác và sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo cho phát triển bền vững.

Theo đó, mục tiêu của tỉnh Hà Nam tới năm 2025 sẽ trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của vùng ĐBSH; năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương và phấn đấu đến năm 2035, tỉnh Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tầm nhìn đến 2050, Hà Nam là thành phố phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; trung tâm hàng đầu của vùng ĐBSH về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc.

Không gian phát triển tỉnh Hà Nam (Nguồn: Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050)

Không gian phát triển tỉnh Hà Nam (Nguồn: Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050)

Lợi thế về vị trị địa lý, kết nối liên vùng của tỉnh Hà Nam là yếu tố quan trọng trong phương án tổ chức không gian.

Tại bản quy hoạch, Hà Nam đưa ra 10 trục động lực dọc (trục động lực Bắc Nam) và 9 trục động lực ngang (trục động lực Đông Tây) tạo nên kết nối trong tổ chức không gian toàn Tỉnh. Không gian phát triển tỉnh Hà Nam được tổ chức theo cấu trúc đa trung tâm, nhiều tầng bậc với các cụm đô thị - công nghiệp - dịch vụ tập trung kết hợp với phát triển du lịch, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao.

Định hướng phát triển đô thị đến năm 2030, tỉnh Hà Nam có 9 đô thị. Trong đó, thành phố Phủ Lý đóng vai trò là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa xã hội, hạt nhân phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh và thành phố Hà Nam trong tương lai với các trung tâm y tế, giáo dục đào tạo, dịch vụ thương mại cấp vùng; xây dựng khu đô thị Bắc Châu Giang thành trung tâm hành chính, chính trị mới của Tỉnh. Các đô thị Duy Tiên, Kim Bảng là các trung tâm phát triển công nghiệp - dịch vụ - du lịch cùng với thành phố Phủ Lý hình thành tam giác phát triển của vùng, trở thành cực tăng trưởng quan trọng trong khu phía Nam vùng thủ đô Hà Nội. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 58%.

Quy hoạch tỉnh Hà Nam cũng định hướng phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, ít phát thải khí nhà kính, có khả năng cạnh tranh, giá trị gia tăng cao, tham gia sâu, toàn diện vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ số, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm, trí tuệ nhân tạo, ô tô, công nghiệp hỗ trợ. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mới như chíp, bán dẫn, robot, công nghiệp môi trường, công nghiệp vật liệu mới.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung

Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng Thẩm định, các chuyên gia đã tập trung trao đổi, thảo luận, cho ý kiến đối với nội dung Quy hoạch và cho rằng, nội dung Quy hoạch thể hiện khá rõ nét về sự khát vọng phát triển của Tỉnh; thể hiện được sự liên kết và đồng bộ trong định hướng phát triển kết cấu hạ tầng; việc sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế - xã hội. Về cơ bản, nội dung Quy hoạch đã đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 27, Luật Quy hoạch và Điều 28, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP; đồng thời, Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch cơ bản đảm bảo yêu cầu theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương và trách nhiệm, Hội đồng Thẩm định đã hoàn thành được chương trình đề ra. Hội đồng Thẩm định nhất trí thông qua Quy hoạch và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch tỉnh Hà Nam với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện.

Thứ trưởng thống nhất một số nội dung đối với hồ sơ trình thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Nam trên cơ sở ý kiến các thành viên Hội đồng Thẩm định, ý kiến phản biện của các chuyên gia.

Để sớm hoàn thiện nội dung Quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch nghiêm túc tiếp thu, tập trung làm rõ và giải trình một số nội dung để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo đúng quy định và thời hạn trong vòng 1 tháng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy nhanh hoàn thiện quy hoạch tỉnh; chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050./.