Quy hoạch tỉnh Ninh Bình: Xây “tầm nhìn” tương xứng với vị thế và tiềm năng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cần thể hiện một cách cô đọng nhất khát vọng phát triển tỉnh Ninh Bình đến năm 2050, nghiên cứu thấu đáo hơn để có được “tầm nhìn” tương xứng với vị thế và tiềm năng của Ninh Bình. Ngoài ra, xem xét tính khả thi khi xây dựng Ninh Bình là một “cực tăng trưởng” của tứ giác phát triển trong điều kiện GRDP bình quân đầu người chỉ bằng 1 nửa mức bình quân chung của vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH).

Đây là nội dung được ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra khi trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm định đối với Hồ sơ trình thẩm định Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát triển du lịch mà không chuyển đổi số thì sẽ khó

Góp ý tại cuộc họp Hội đồng thẩm định, TS. Cao Viết Sinh, Chuyên gia cao cấp cho rằng, Quy hoạch Tỉnh cần làm rõ định vị của Ninh Bình trong vùng ĐBSH và so với cả nước như thế nào. Trong 5 năm, 10 năm qua, Ninh Bình có tốc độ tăng trưởng khá, bình quân là 8,71%; nhưng thứ hạng so với cả nước không thay đổi là bao. Do đó, cần đánh giá sâu hơn về thực trạng kinh tế của Tỉnh, tìm hiểu sâu thêm vì sao thứ hạng GRDP bình quân đầu người của Ninh Bình lại khó bứt phá lên so với bình quân chung của cả nước.

Theo TS. Cao Viết Sinh, Ninh Bình có nhiều tiềm năng du lịch và xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì cần phân tích sâu hơn những điểm nghẽn cần giải quyết để phát huy lợi thế này hơn nữa (Ảnh Đức Trung)

Theo TS. Cao Viết Sinh, Ninh Bình có nhiều tiềm năng du lịch và xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì cần phân tích sâu hơn những điểm nghẽn cần giải quyết để phát huy lợi thế này hơn nữa (Ảnh Đức Trung)

"Tỉnh Ninh Bình có nhiều tiềm năng du lịch và xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Song, Quy hoạch Tỉnh cần phân tích sâu hơn ngành du lịch của Tỉnh, đóng góp của ngành du lịch chiếm bao nhiêu % trong GRDP của Tỉnh. Những điểm nghẽn gì cần giải quyết để phát huy lợi thế này hơn nữa, liệu kết quả này đã tương xứng điểm du lịch nổi tiếng của Tỉnh trong vùng phụ cận Hà Nội?", TS. Cao Viết Sinh nhận xét.

Vấn đề bố trí không gian phát triển của Tỉnh, vấn đề xung đột khi lựa chọn phát triển công nghiệp và du lịch cũng được đặt ra. Do vậy, cần có những phân tích sâu hơn và dự liệu trước những phương án xử lý như thế nào khi ưu tiên du lịch sinh thái, tăng trưởng xanh thì việc phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, xi măng sẽ có giải pháp, ứng phó như thế nào trong thời gian tới. Đây là những vấn đề rất quan trọng trong đánh giá thực trạng của Tỉnh, theo TS. Cao Viết Sinh.

Về quan điểm phát triển, vị chuyên gia cho rằng, các quan điểm phát triển được Tỉnh đưa ra trong Báo cáo Quy hoạch chưa có các điểm nhấn, điểm mới có tính đột phá rõ nét cho riêng tỉnh Ninh Bình. Quan điểm phát triển chưa thể hiện được tinh thần bứt phá để vượt qua mức bình quân cả nước và từng bước thu hẹp khoảng cách giữa tỉnh Ninh Bình với mức bình quân của vùng ĐBSH.

"So với các lần lấy ý kiến trước, Quy hoạch tỉnh Ninh Bình đã có bổ sung kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm… Trong đó, kinh tế số, chuyển đổi số là rất quan trọng. Quy hoạch đã có nêu ra nhưng chưa mạnh dạn lắm. Ninh Bình đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ du lịch mà không chuyển đổi số thì chắc sẽ khó, không thể tiến nhanh được. Do vậy, phải làm rõ nét hơn, quyết liệt hơn đối với vấn đề chuyển đổi số; nếu đặt mục tiêu thấp thì sẽ không giải quyết được gì cả", TS. Cao Viết Sinh nhấn mạnh.

Định vị Ninh Bình ở đâu trong vùng ĐBSH?

Ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến nay, Cơ quan thường trực Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh đã nhận được ý kiến thẩm định của 18/20 bộ, cơ quan ngang bộ là thành viên Hội đồng (Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ chưa có văn bản tham gia ý kiến thẩm định) và 12/12 ý kiến của Ủy viên phản biện. Đánh giá Hồ sơ trình thẩm định Quy hoạch tỉnh Ninh Bình được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, khoa học và cơ bản đáp ứng yêu cầu được quy định tại pháp luật, nhưng Cơ quan thường trực Hội đồng cũng nêu nhiều vấn đề Tỉnh cần hoàn thiện, bổ sung trong bản quy hoạch này.

Ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: Đức Trung)

Ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: Đức Trung)

Cụ thể, khi phân tích, đánh giá và dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của Tỉnh, Cơ quan thường trực Hội đồng cho rằng, tỉnh Ninh Bình cần bổ sung đánh giá, làm sâu sắc hơn tác động, ảnh hưởng các yếu tố, điều kiện xã hội, văn hóa mang tính đặc thù như cố đô Hoa Lư để thấy hết những điểm nhấn của Tỉnh; bổ sung đánh giá dân tộc, hoạt động tín ngưỡng tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh;...

Về quan điểm phát triển, các ý kiến của Hội đồng cho rằng, mục tiêu của Tỉnh đặt ra là "phấn đấu xây dựng tỉnh Ninh Bình năm 2025 là tỉnh trung bình khá và năm 2030 là tỉnh phát triển khá trong khu vực ĐBSH" thì cần làm rõ, cân nhắc định vị Ninh Bình nằm ở vị trí nào trong vùng ĐBSH theo phân vùng tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, cần bổ sung khái quát được mục tiêu phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường của Tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2030; xem xét, điều chỉnh mục tiêu phát triển kinh tế số trong điều kiện định hướng đến năm 2030 khi thương mại điện tử chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ…

Đối với tầm nhìn đến năm 2050, cần thể hiện một cách cô đọng nhất khát vọng phát triển tỉnh Ninh Bình; nghiên cứu thấu đáo hơn để có được “tầm nhìn” tương xứng với vị thế và tiềm năng của Ninh Bình; xem xét tính khả thi khi xây dựng Ninh Bình là một “cực tăng trưởng” của tứ giác phát triển trong điều kiện GRDP bình quân đầu người chỉ bằng 1/2 mức bình quân chung của vùng ĐBSH.

Để xây dựng Ninh Bình là nơi đáng sống, an toàn và thân thiện, cần quan tâm thêm đến sự tiếp cận tiêu chí thành phố đáng sống, gồm 10 nhóm tiêu chí.

Ông Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình. (Ảnh: Đức Trung)

Ông Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình. (Ảnh: Đức Trung)

Giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý cho Tỉnh, ông Đoàn Minh Huấn - Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết, các ý kiến của Hội đồng đã gợi mở được nhiều vấn đề không chỉ cho Quy hoạch mà còn cả công tác tổ chức thực hiện trong thực tế. Bên cạnh việc thẩm định, tỉnh Ninh Bình mong muốn các thành viên của Hội đồng tiếp tục đồng hành ở khâu tiếp theo.

Là địa phương thứ 32 “xếp hàng” chờ phê duyệt quy hoạch tỉnh, Ninh Bình mong muốn Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sớm được phê duyệt để Tỉnh thực hiện các mục tiêu của mình, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy lợi thế so sánh.

Hội đồng đã thảo luận và biểu quyết bằng phiếu đánh giá thông qua quy hoạch tỉnh với 100% phiếu đồng ý thông qua Hồ sơ Quy hoạch Tỉnh với điều kiện có bổ sung chỉnh sửa.

Để sớm hoàn thiện nội dung trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất, Hội đồng đề nghị, UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục chỉ đạo cơ quan lập Quy hoạch nghiêm túc tiếp thu, giải trình ý kiến; tập trung làm rõ giải trình tất cả các nội dung bằng văn bản; triển khai lập báo cáo tiếp thu giải trình bằng văn bản các ý kiến và kết luận; chỉ đạo hoàn thiện Hồ sơ Quy hoạch Tỉnh đảm bảo đồng bộ thống nhất và tuân thủ theo đúng quy định và thời hạn trong vòng 1 tháng. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy nhanh hoàn thiện quy hoạch tỉnh.

Tin cùng chuyên mục