Ảnh Internet |
Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này tăng 2,2% trong quý II, thấp hơn mức dự báo 2,6%. Dù vậy, mức tăng này cũng đủ giúp quy mô nền kinh tế Nhật Bản đạt 542.100 tỷ Yên (4,1 nghìn tỷ USD), cao hơn mức cuối năm 2019.
"GDP đã quay về mức trước đại dịch. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi vẫn chậm hơn các nước khác", Takeshi Minami - nhà kinh tế học tại Viện Nghiên cứu Norinchukin nhận định và cho rằng, kinh tế Nhật Bản quý III sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng tốc độ sẽ chậm lại.
Việc Nhật Bản chấm dứt các hạn chế phòng dịch lên doanh nghiệp cuối tháng 3 đã giúp nền kinh tế tăng tốc. Chi tiêu tiêu dùng - vốn đóng góp hơn nửa GDP Nhật Bản - dẫn dắt đà tăng trưởng trong quý II. Chi tiêu của doanh nghiệp cũng mạnh lên. Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, các lệnh hạn chế được nới lỏng đã giúp tăng chi tiêu tại nhà hàng, khách sạn và cửa hàng thời trang.
Dù vậy, tăng trưởng quý II chậm hơn kỳ vọng vài tháng trước đó, cho thấy nhu cầu bị dồn nén của người tiêu dùng ở mức vừa phải.
Với nền kinh tế phục hồi quy mô trước đại dịch, các nhà kinh tế kỳ vọng Nhật Bản tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ và chính phủ nước này sẽ vẫn hỗ trợ cho các hộ gia đình chịu tác động từ cả đại dịch và lạm phát. Trong khi đó, các nền kinh tế lớn đều đang làm ngược lại bằng cách tăng lãi suất để "hạ nhiệt" nhu cầu và lạm phát.
GDP Nhật Bản quay về mức tiền đại dịch chậm hơn nhiều so với các nước lớn. Mỹ đã làm được điều này một năm trước. Phần lớn châu Âu cũng quay về mốc này cuối năm ngoái.
Lạm phát tại Nhật Bản cũng đang nhích lên. Tuy nhiên, tiêu dùng có thể đi xuống nếu giá cả tăng nhanh hơn lương. Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, lương tại Nhật Bản đã giảm 3 tháng liên tục trong quý II.