Quyền tự quyết cao cho đặc khu

(BĐT) - Với những định hướng đột phá, vấn đề tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (ĐVHCKTĐB) được xác định có vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư. 
Để tạo thể chế vượt trội, Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được phân cấp, phân quyền mạnh với nhiều quyền hạn.  Ảnh: Lê Tiên
Để tạo thể chế vượt trội, Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được phân cấp, phân quyền mạnh với nhiều quyền hạn. Ảnh: Lê Tiên

Theo một số chuyên gia, để tạo hình mẫu về thể chế vượt trội, Trưởng ĐVHCKTĐB cần được giao quyền tự quyết cao, tuy nhiên cũng cần xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát đặc quyền này chặt chẽ để tránh lạm quyền.

Phân quyền mạnh cho Trưởng “đặc khu”

Theo dự thảo Luật ĐVHCKTĐB mới nhất của Bộ KH&ĐT, chính quyền địa phương tại 3 đơn vị là một thiết chế được gọi là Trưởng ĐVHCKTĐB, có bộ máy giúp việc và các cơ quan chuyên môn. Trưởng ĐVHCKTĐB thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quyết định, tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Trưởng ĐVHCKTĐB được phân cấp, phân quyền mạnh. Ở cấp trung ương và cấp tỉnh, Trưởng ĐVHC KTĐB thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn do Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh giao theo quy định tại Khoản 3 Điều 112 Hiến pháp. Ở cấp huyện, Trưởng ĐVHCKTĐB thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn của UBND và Chủ tịch UBND thành phố thuộc tỉnh tại ĐVHCKTĐB. Ở cấp xã, Trưởng Khu hành chính thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường trên địa bàn khu hành chính và một số nhiệm vụ, quyền hạn khác do Trưởng ĐVHCKTĐB phân quyền, ủy quyền.

PGS. TS Nguyễn Bá Ân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển nhấn mạnh, thể chế hành chính trong ĐVHCKTĐB có vai trò rất quan trọng, bởi ưu đãi nhiều nhưng nếu thể chế không thuận lợi, môi trường đầu tư không hấp dẫn thì chắc chắn không thu hút được nhà đầu tư. Ông Ân nhấn mạnh, cần phải có tư duy đột phá về tổ chức hành chính trong chính quyền ĐVHCKTĐB. Thể chế hành chính trong ĐVHCKTĐB chỉ cần không trái với Hiến pháp, còn không nhất thiết phải áp toàn bộ những quy định, cấp chính quyền giống như tổ chức chính quyền địa phương.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ quan điểm, quá trình xây dựng Luật ĐVHCKTĐB cần phải xác định mục tiêu, định hướng phát triển để xây dựng những thiết chế cần thiết thực hiện mục tiêu. Từ đó, quy định cho những người tham gia thực hiện thiết chế (Trưởng ĐVHCKTĐB và những cấp liên quan) những quyền lực cụ thể để thực hiện. Theo ông Thiên, xây dựng Luật ĐVHCKTĐB chỉ cần căn cứ vào Hiến pháp, không nên bị chi phối bởi bất cứ luật nào. 

Giám sát tối cao đặc quyền

Bên cạnh cơ chế giám sát  nêu trong dự thảo Luật là Hội đồng Giám sát và Tư vấn ĐVHCKTĐB,  những quan điểm mới về cơ chế giám sát đối với đối tượng nắm giữ quyền lực rất lớn tại ĐVHCKTĐB là Trưởng ĐVHCKTĐB cũng được nhiều chuyên gia chia sẻ.

TS. Trần Đình Thiên bày tỏ quan điểm, việc thiết kế cơ chế giám sát trong ĐVHCKTĐB cần dựa trên nền tảng của công khai, minh bạch là hệ thống giám sát tối cao, chứ không phải cấu trúc quyền lực dựa theo bộ máy. Ông Thiên ví von việc xây dựng hệ thống giám sát trong ĐVHCKTĐB như việc đánh chuột thì rất khó đánh trong phòng tối. Tuy nhiên, nếu bật đèn sáng thì tự khắc chuột sẽ chạy và sẽ không cần phải tìm. “Chỉ cần công khai, minh bạch là giám sát được” - ông Thiên nhấn mạnh.

Hiện, Dự thảo Luật đang đưa ra phương án Hội đồng Giám sát và Tư vấn ĐVHCKTĐB sẽ thực hiện chức năng giám sát hoạt động của Trưởng ĐVHCKTĐB tại địa bàn và thực hiện nhiệm vụ tư vấn đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ĐVHCKTĐB và một số nhiệm vụ quan trọng khác thuộc thẩm quyền của Trưởng ĐVHCKTĐB. Hội đồng Giám sát và Tư vấn ĐVHCKTĐB sẽ báo cáo kết quả giám sát Trưởng ĐVHCKTĐB với Thủ tướng Chính phủ, bộ và cơ quan ngang bộ có liên quan, HĐND và UBND cấp tỉnh định kỳ hàng quý hoặc khi xét thấy cần thiết.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề kiểm soát quyền lực của Trưởng ĐVHCKTĐB, một chuyên gia cho biết, dùng mô hình cũ là HĐND giám sát cũng là một cách. Song, với việc thực thi quyền lực và nhiệm vụ của Trưởng ĐVHCKTĐB được giao quyết định những vấn đề xuyên suốt cả mấy cấp thì việc xây dựng cơ chế giám sát ở tất cả các cấp quyết định phải có sự đồng bộ nhất định. Quan trọng nhất, là phải có những phát hiện sớm, kịp thời để có thể “tuýt còi” dừng lại khi Trưởng ĐVHCKTĐB có những quyết định vượt quá thẩm quyền, hoặc có những sai sót.