Ảnh Internet |
Một số ngân hàng trung ương dự kiến vẫn sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào giữa năm 2024, song ngày càng nhiều nhà kinh tế đang điều chỉnh quan điểm này, đẩy thời điểm có nhiều khả năng xảy ra hơn vào nửa cuối năm 2024.
Theo Reuters, bất chấp thành công rộng rãi trong việc "hạ nhiệt" lạm phát, giá cả vẫn tăng nhanh hơn mức mà hầu hết các ngân hàng trung ương mong muốn khiến việc đạt được mục tiêu lạm phát có thể sẽ khó khăn.
Hơn 500 nhà kinh tế được Reuters khảo sát từ ngày 6 - 25/10 đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2024 và nâng dự báo lạm phát đối với phần lớn trong số 48 nền kinh tế trên thế giới được khảo sát.
Trong khi nhiều ngân hàng trung ương, bao gồm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đã đưa ra quan điểm lãi suất "cao hơn trong thời gian dài hơn", thì nhiều nhà kinh tế và nhà giao dịch lại miễn cưỡng chấp nhận quan điểm đó.
Douglas Porter, Nhà kinh tế trưởng tại BMO cho biết: "Tôi nghĩ tất cả chúng ta phải cởi mở rằng có thể chính sách chưa đủ hạn chế. Dự báo của chúng tôi là Fed không cần phải tăng lãi suất thêm nữa, nhưng tôi không loại trừ khả năng chúng tôi có thể sai và cuối cùng Fed sẽ phải làm nhiều việc hơn".
Trong khi hầu hết các nhà kinh tế vẫn cho rằng, Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào giữa năm 2024, cuộc thăm dò mới nhất của Reuters cho thấy chỉ 55% ủng hộ kịch bản đó, thấp hơn so với con số 70% ủng hộ vào tháng trước.
Ngân hàng Trung ương New Zealand - vốn thường đi đầu trong các chu kỳ lãi suất - cũng được dự báo sẽ đợi đến khoảng tháng 7 - 9/2024 trước khi cắt giảm lãi suất.
Ngay cả Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) - ngân hàng trung thành với chính sách cực kỳ lỏng lẻo trong suốt đợt lạm phát này - hiện được cho là sẽ từ bỏ lãi suất âm vào năm tới.
Điều quan trọng là hầu hết các nhà kinh tế đều đồng ý rằng, những bước nới lỏng đầu tiên sẽ không phải là khởi đầu cho một loạt đợt cắt giảm lãi suất nhanh chóng.
Ngoài ra, theo Reuters, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ giảm xuống còn 2,6% trong năm 2024 so với mức dự kiến 2,9% trong năm 2023.
"Các ngân hàng trung ương đã có mức lãi suất cao để chống lạm phát. Điều này chắc chắn đang hạn chế nền kinh tế và sẽ mất một thời gian nữa trước khi chúng ta đạt được mức tăng trưởng toàn cầu cao hơn mức trung bình lịch sử", Nathan Sheets, Nhà kinh tế trưởng tại Citigroup nhận xét.